VCB, FPT “bập bênh” chỉ số, thanh khoản tiếp tục duy trì rất thấp
Trong khi VN30-Index neo ở mặt bằng giá tăng thì VN-Index lại trượt dốc liên tục cho thấy đang có sự tác động giằng co giữa các cổ phiếu trụ. Vốn hóa kém hơn khiến mức tăng của FPT không bù lại được sức ép của VCB đang giảm. Thanh khoản nhóm VN30 cũng vượt trội và độ rộng cân bằng trong khi tổng thể của VN-Index sắc đỏ áp đảo...
Trong khi VN30-Index neo ở mặt bằng giá tăng thì VN-Index lại trượt dốc liên tục cho thấy đang có sự tác động giằng co giữa các cổ phiếu trụ. Vốn hóa kém hơn khiến mức tăng của FPT không bù lại được sức ép của VCB đang giảm. Thanh khoản nhóm VN30 cũng vượt trội và độ rộng cân bằng trong khi tổng thể của VN-Index sắc đỏ áp đảo.
VN-Index tăng đạt đỉnh trong khoảng 15 phút đầu tiên sau khi có giá mở cửa, trên tham chiếu 4,6 điểm nhưng kết phiên lại giảm 0,31 điểm (-0,02%). Độ rộng tại đỉnh ghi nhận 201 mã tăng/87 mã giảm và cuối phiên còn 143 mã tăng/208 mã giảm.
Ngược lại, VN30-Index tăng cao nhất cùng lúc với VN-Index, trên tham chiếu khoảng 6,8 điểm và kết phiên vẫn tăng 3,99 điểm (+0,3%), độ rộng cân bằng 13 mã tăng/13 mã giảm. Dao động rất hẹp trong phiên của VN30-Index cho thấy khả năng giữ giá của nhóm blue-chips là tốt. Tác động lên VN-Index lúc này mang tính cá biệt.
VCB có phiên giảm khá mạnh thứ hai liên tục, chốt phiên sáng nay mất 0,63% sau khi giảm 0,84% hôm qua. Trụ lớn nhất thị trường này đạt đỉnh lúc 9h40, tăng 0,32% so với tham chiếu và cũng là lúc các chỉ số tăng tốt nhất. Tuy nhiên sau đó VCB trượt dốc dần và hiện đang chốt mức thấp nhất. Ngược lại FPT tăng khỏe nhất trong vài phút sau khi mở cửa, trên tham chiếu 1,14% và giữ giá khá tốt sau đó, kết phiên còn tăng 0,94%. FPT đem lại 0,5 điểm cho VN-Index trong khi VCB lấy đi hơn 0,8 điểm nhưng ở VN30-Index, FPT lại kéo về 1,4 điểm còn VCB chỉ làm mất gần 0,4 điểm.
Mặt khác VN30-Index cũng đang có nhóm cổ phiếu trụ khá tích cực như TCB tăng 0,83%, SHB tăng 2,42%, VNM tăng 0,94%, STB tăng 0,75%. Ngược lại trong 5 trụ lớn nhất của VN-Index thì VCB và BID cùng đỏ, CTG tham chiếu, chỉ có FPT và HPG xanh, nhưng HPG tăng quá yếu 0,18%.
Mặt bằng giá của rổ VN30 đang khá tích cực, dù độ rộng cân bằng. Nhóm giảm mạnh nhất là những mã không có ảnh hưởng nhiều: BVH giảm 1,52%, POW giảm 1,19% và BCM giảm 1,47%. Thanh khoản rổ VN30 sáng nay tăng 16% so với sáng hôm qua trong khi tổng khớp sàn HoSE lại giảm 1%. Toàn sàn này có 10 cổ phiếu thanh khoản vượt 100 tỷ đồng thì VN30 đóng góp 8 mã và chỉ 2 trong số này đỏ là SSI giảm 0,57% và MWG giảm 0,82%.
Giao dịch đang chậm lại ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, Midcap đang giảm -,22%, Smallcap giảm 0,12%. Dù vậy biên độ giảm cũng rất nhẹ, hầu hết cổ phiếu chỉ là dao động thông tường. Trong tổng số 208 mã đỏ ở HoSE chỉ có 44 mã giảm hơn 1%, tập trung khoảng 9,5% tổng giá trị khớp lệnh. ORS là cổ phiếu duy nhất đáng chú ý khi giảm 2,9% với giao dịch gần 154 tỷ đồng. Thậm chí ORS còn lọt vào top 10 cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường sáng nay. ORS bị chốt lời sau nhịp tăng mạnh gần 15% chỉ trong 4 phiên liên trước. Nếu tính từ đáy tháng 11 thì ORS cũng đã đem về lợi nhuận hơn 21% tính đến ngày hôm qua.
Các cổ phiếu giảm giá đáng kể khác hầu hết không có thanh khoản. TCM, ANV, HDC, FRT, OCB, POW, SZC, HAG, BVH là những mã duy nhất còn lại khớp được quá 10 tỷ đồng. Nhìn chung các mã này cũng đã có nhịp tăng tốt trong ngắn hạn nên sáng nay bị chốt lời cũng không có gì đặc biệt.
Hiện tượng phân hóa về sức mạnh như vậy có thể thấy phổ biến trên thị trường. Nhà đầu tư giao dịch tùy vào biến động giá của cổ phiếu cụ thể. Nhóm tăng mạnh cũng hầu hết không có thanh khoản đáng chú ý. Trong 143 mã xanh chỉ có 46 mã tăng hơn 1% với thanh khoản tổng thể chiếm 10,7% sàn. SHB là cổ phiếu nổi bật nhất với thanh khoản 202,3 tỷ đồng, giá tăng 2,42%. Chỉ 6 mã khác giao dịch được quá 10 tỷ là HAH tăng 1,61%, EIB tăng 1,58%, YEG tăng 1,77%, BSI tăng 2,16%, SCS tăng 1% và SMC tăng 6,98%.
Như vậy tổng thể thị trường sáng nay tiếp tục dao động luẩn quẩn như các phiên trước và thanh khoản thấp nhất 7 phiên. Quá trình đi ngang để “làm quen” với mặt bằng giá mới sau phiên bùng nổ ngày 5/12 vẫn chưa kết thúc.
Khối ngoại ghi nhận bán ròng 224,1 tỷ đồng trên sàn HoSE và khoảng 25 tỷ nữa trên HNX với UpCOM. Những cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là MWG -50,9 tỷ, DGC -32,2 tỷ, VRE -27 tỷ. Phía mua ròng duy nhất TCB +26,1 tỷ là đáng kể.