VCCI lo ngại nhiều quy chuẩn kỹ thuật gây tốn kém, tạo gánh nặng chi phí cho bến xe hàng
Việc ban hành các yêu cầu bắt buộc về cơ sở vật chất của bến xe hàng, lắp camera hay hệ thống xử lý nước thải tập trung...sẽ gây tốn kém, tạo ra chi phí lớn cho các bến xe hàng và các thương nhân hoạt động tại bến...
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng hiện đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến.
Bến xe hàng là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ xe ôtô vận tải hàng hóa nhận, trả hàng và các dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hoá. Dự thảo dự kiến ban hành các quy định bắt buộc về tiêu chuẩn, điều kiện với các bến xe hàng trước khi đi vào hoạt động. Theo thuyết minh dự thảo, việc xây dựng quy chuẩn sẽ giúp tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý hoạt động vận tải hàng hoá.
Về mục đích ban hành, Điều 3.2 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định mục đích ban hành quy chuẩn kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng cần cân nhắc lại sự cần thiết của việc ban hành quy chuẩn. Đồng thời, VCCI cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn và cân nhắc lại sự cần thiết ban hành Quy chuẩn kỹ thuật cho bến xe hàng để nhằm bảo đảm các mục đích kể trên.
Theo lý giải của VCCI, sau khi dự thảo ban hành sẽ có nguy cơ trùng lặp với các quy định hiện hành do phần lớn nội dung dự thảo dẫn chiếu các quy định hiện hành về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, chiếu sáng, thoát nước, an toàn thực phẩm… "Các bến xe hàng vốn dĩ đã phải đáp ứng các quy định này mà không cần ban hành thêm quy chuẩn kỹ thuật", VCCI phân tích.
Đồng thời, ban soạn thảo cũng cần làm rõ hơn nhu cầu từ thực tiễn vì bến xe hàng có đặc điểm khác với bến xe khách.
Các bến xe khách phục vụ chủ yếu là người dân, với số lượng lớn và là phương thức vận tải công cộng nên cần các biện pháp kiểm soát tránh ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.
Trong khi đó, các bến xe hàng chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp, thương nhân, bản chất đây là quan hệ kinh tế. Tự bản thân bến xe hàng sẽ cần nâng cao chất lượng vận hành để thu hút khách hàng và pháp luật đã có các cơ chế xử lý tranh chấp phù hợp nếu các bên cần.
Bên cạnh đó, Điều 2.3.2 dự thảo quy định bến xe hàng phải có hệ thống camera giám sát 24/7 và dữ liệu được lưu giữ tối thiểu 1 tháng.
Tuy nhiên, “quy định này là không cần thiết vì các doanh nghiệp đã phải bố trí nhân viên thực hiện các hoạt động theo dõi, giám sát xe ra vào, quá trình xếp hàng, dỡ hàng và các hoạt động khác theo quy định tại Điều 6 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT. Việc bắt buộc lắp camera và có hệ thống lưu trữ dữ liệu sẽ gây tốn kém, tạo ra chi phí lớn cho các bến xe hàng và có thể là cả các doanh nghiệp, thương nhân với tư cách người sử dụng dịch vụ”, VCCI nêu quan điểm.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này, việc lắp camera và có hệ thống lưu trữ chỉ nên dừng ở mức độ khuyến khích nhằm hỗ trợ hoạt động của bến xe hàng.
Ngoài ra, Điều 2.4.1 dự thảo quy định bến xe hàng phải có hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung.
Tuy nhiên, “quy định này không phù hợp vì Luật Bảo vệ môi trường chỉ quy định các bến xe hàng là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải, không cần phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này”, VCCI kiến nghị.