21:49 13/11/2023

VCCI ủng hộ tăng giá dịch vụ cảng biển nhưng lưu ý hệ luỵ tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu

Anh Tú

Ủng hộ đề xuất điều chỉnh tăng khung giá một số dịch vụ tại cảng biển, VCCI cho rằng sẽ giải quyết khó khăn và giúp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cảng biển có thêm nguồn lực để tái đầu tư. Dù vậy, cần lưu ý những tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp khác như hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu...

Việc điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển có thể khiến các hãng tàu tăng giá cước, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển có thể khiến các hãng tàu tăng giá cước, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Sau khi tham khảo các doanh nghiệp và một số chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải trả lời công văn đề nghị góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam (Thông tư số 54).

Văn bản nêu rõ theo phản ánh của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, cung cấp dịch vụ hoa tiêu cũng như các nội dung giải trình tại tờ trình, Thông tư 54 có hiệu lực đến nay đã gần 5 năm, khung giá của một số dịch vụ không còn phù hợp.

"Mức phí dịch vụ của Việt Nam thu khá thấp so với các nước trong khu vực; cơ chế tính giá dịch vụ hoa tiêu có một số bất cập khiến cho mức giá giữa các khu vực, giữa các tuyến dịch vụ, giữa giá dịch vụ và giá quốc tế có sự chênh lệch lớn…", VCCI nêu rõ.

Trước những bất cập trên, dự thảo đề xuất điều chỉnh tăng khung giá của một số dịch vụ tại cảng biển. Theo đó, dự kiến tăng đáng kể khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa.

Đồng thời, điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa từ tàu (sà lan) – sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng tiệm cận với khung giá bốc dỡ tàu (sà lan) – bãi cảng; tăng khung giá bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực I…

VCCI cho rằng việc điều chỉnh mức tăng này đã thể hiện tinh thần cầu thị từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cảng biển.

Việc tăng khung giá của một số dịch vụ tại cảng biển cũng được kỳ vọng sẽ giúp được các doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển, cung cấp dịch vụ cảng biển có thêm nguồn lực để tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VCCI, ở khía cạnh khác, việc tăng khung giá của một số loại dịch vụ tại cảng biển tại dự thảo có thể sẽ tác động tới các doanh nghiệp như: chủ tàu nội địa, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi…

 

"Đặc biệt, việc điều chỉnh giá dịch vụ này dù không trực tiếp tác động đến việc tăng giá cước vận tải nhưng có thể tạo động lực để các hãng tàu tăng giá cước, tăng hoặc đặt ra các khoản phí mới. Điều này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam", VCCI đánh giá.

Vì vậy, VCCI đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác có các giải pháp để kiểm soát và quản lý được việc tăng giá, đặt thêm các khoản phí của các hãng tàu biển, tạo bất lợi cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trước đó, nhằm giải quyết những bất cập và tiếp sức cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam có đề xuất Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh hàng loạt nội dung quan trọng trong danh sách 4 loại giá dịch vụ tại cảng biển do nhà nước định giá.

Theo đề xuất này, có 4 loại dịch vụ được đề xuất điều chỉnh bao gồm: dịch vụ hoa tiêu hàng hải chỉ quy định giá tối đa, bỏ quy định giá tối thiểu; duy trì mức giá tối đa với dịch vụ phao neo; duy trì giá tối thiểu đối với giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu; bỏ khung giá dịch vụ sử dụng cầu bến.

Xây dựng khung giá dịch vụ không chỉ là công cụ hiệu quả giúp cảng biển Việt Nam thu hút tàu mẹ vào làm hàng mà còn góp phần bình ổn giá thị trường, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp cảng tăng nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, bình ổn giá ở những dịch vụ mang tính độc quyền như giá hoa tiêu, lai dắt. Tuy nhiên, giá các dịch vụ tại cảng biển vẫn nhiều tồn tại, hạn chế.

Việc quản lý giá dịch vụ cảng biển theo cơ chế thị trường song hành cùng cơ chế quản lý của Nhà nước sẽ kích thích tối đa sự phát triển của doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động hàng hải.