10:03 18/03/2013

VHG, “án treo”, lỗ 7 quý và... tăng trần đột biến

Nguyên Hà

Trong tháng 3, VHG đã tăng giá 37,58%, một tỉ suất lợi nhuận đáng mơ ước, cao nhất trên sàn HSX

VHG rất có khả năng phải giải trình hiện tượng tăng trần liên tục đang diễn ra.
VHG rất có khả năng phải giải trình hiện tượng tăng trần liên tục đang diễn ra.
Bất chấp nguy cơ rơi vào tình trạng giao dịch kiểm soát nếu báo cáo kiểm toán năm 2012 tiếp tục xác nhận lỗ, VHG vẫn có phiên tăng kịch trần thứ 6 liên tiếp.

Khó thoát “án” giao dịch bị kiểm soát

Ngay từ cuối tháng 2 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HMC (HSX) đã phát đi cảnh báo khả năng tạm dừng giao dịch đối với cổ phiếu VHG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn với lý do lỗ hai năm liên tiếp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2012 chưa kiểm toán của VHG, công ty đã ghi nhận mức lỗ 36,15 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2013 là 66,13 tỷ đồng. Năm 2011, VHG cũng đã lỗ 30,59 tỷ đồng và mức lỗ lũy kế là 29,98 tỷ đồng.

VHG từ 23/3/2012 đã rơi vào diện cảnh báo. Theo quy định, nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 được công bố tới đây, VHG vẫn bị lỗ thì cổ phiếu này trước hết sẽ bị tạm dừng giao dịch. Sau khi Công ty có giải trình phương án khắc phục, VHG sẽ bị chuyển sang giao dịch dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát: Chỉ còn được giao dịch trong 15 phút đóng cửa để xác định giá tham chiếu cho phiên kế tiếp.

Bất chấp những rủi ro liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh chính cũng như gánh nợ đang phải chịu, từ đầu tháng 3 đến nay, VHG đã tăng giá rất mạnh. Đặc biệt tính đến ngày 15/3, VHG có tới 6 phiên tăng giá kịch trần liên tục. Như vậy, trong tháng 3, VHG đã tăng giá 37,58%, một tỉ suất lợi nhuận đáng mơ ước, cao nhất trên sàn HSX, vượt xả cả những cổ phiếu tăng cực mạnh vừa qua nhờ hoạt động cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ nước ngoài như HSG, HPG, DPM…

VHG, “án treo”, lỗ 7 quý và... tăng trần đột biến 1Doanh thu sụt giảm khá nhanh trong các quý của năm 2012 phản ánh tình trạng khó khăn trong tiêu thụ cũng như mức độ cạnh tranh cao của các mặt hàng truyền thống của VHG như dây điện, ống nước, gạch ngói, cáp viễn thông.

Lỗ 7 quý liên tiếp

Hoạt động kinh doanh của VHG bắt đầu ghi nhận lỗ từ quý 2/2011 với con số 8,9 tỷ đồng sau thuế. Doanh thu sụt giảm cộng với chi phí sản xuất, chi phí tài quá lớn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lỗ triền miên của VHG. 

Ảnh hưởng nặng nề từ chi phí lãi vay bắt đầu thể hiện từ đầu năm 2011. Trong 7 quý ghi nhận kết quả kinh doanh âm từ hai năm qua thì 6 quý đầu, VHG vẫn đạt mức lãi gộp dương, thậm chí với tỉ suất lãi gộp được cải thiện dần. Điều này thể hiện hoạt động sản xuất kinh doanh chính vẫn đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên chi phí tài chính, chi phí lãi vay đã thổi bay tất cả những kết quả này, khiến mức lợi nhuận thuần rơi vào tình trạng âm.

Riêng trong quý 4/2012, VHG ghi nhận kết quả kinh doanh tệ nhất. Doanh thu sụt giảm 14% so với quý 3 và giảm 37% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý duy nhất VHG gánh chịu mức lợi nhuận biên âm với con số lãi gộp là -2,3 tỷ đồng. Khác với 6 quý trước khi mức lãi gộp vẫn dương, quý 4/2012 VHG vừa gánh chịu mức lỗ trong hoạt động sản xuất - bán hàng, vừa gánh chịu mức chi phí tài chính, lãi vay, dẫn đến con số lợi nhuận thuần -14,2 tỷ đồng, cao nhất trong 7 quý vừa qua.

Doanh thu sụt giảm khá nhanh trong các quý của năm 2012 phản ánh tình trạng khó khăn trong tiêu thụ cũng như mức độ cạnh tranh cao của các mặt hàng truyền thống của VHG như dây điện, ống nước, gạch ngói, cáp viễn thông.

Thực trạng tài chính của VHG cũng khá bấp bênh khi hai quý cuối năm 2012, dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh không được cải thiện rõ rệt. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh sụt giảm, thậm chí lỗ khiến công ty phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn đi vay. Công ty đã phải liên tiếp vay vốn từ ngân hàng để tài trợ cho hoạt động sản xuất. Trong năm 2012, mức vay nợ tuy có giảm dần trong 2 quý cuối năm nhưng vẫn là phần chính giúp cân đối dòng tiền của VHG. Điều này làm tăng gánh nặng chi phí tài chính.

VHG, “án treo”, lỗ 7 quý và... tăng trần đột biến 2VHG có một số dự án đầu tư ngoài hoạt động sản xuất chính, nổi lên là dự án tòa nhà D’Evelyn tại Đà Nẵng và dự án trồng cao su ở Quảng Nam.

Một trong những nguyên quan trọng khiến cho tình hình tài chính của VHG gặp khó khăn là công nợ của khách hàng. Khi phải sử dụng vốn vay để tài trợ hoạt động sản xuất, từ đó chịu áp lực trả nợ, thì vòng quay tiền cần càng nhanh càng tốt. Vòng quay này lại bị kéo dài khi khách hàng của VHG có tình hình tài chính kém, chậm thanh toán, thậm chí nợ quá hạn. Từ năm 2011 đến cả năm 2012, VHG luôn phải duy trì khoản phải thu cao. Năm 2012, các khoản phải thu khách hàng của VHG chiếm trên 25% tổng tài sản ngắn hạn. Thu hồi vốn chậm để trả vốn vay cũng là yếu tố quan trọng gây áp lực lên chi phí tài chính.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2012, công ty đang có khoản nợ do vay ngắn hạn của ngân hàng đến 31/12/2012 là 108,3 tỷ đồng. Mức nợ này không lớn nhưng khả năng cân đối trả nợ phụ thuộc nhiều vào việc thu hồi nợ và bán hàng. Hiện khoản phải thu khoảng 86,8 tỷ đồng, trong đó phải thu khác hàng là 43 tỷ đồng. Các khoản phải thu khác tập trung vào một cá nhân (16,4 tỷ đồng) và Công ty TNHH Quê Việt (23,1 tỷ). Hai khoản nợ này phát sinh từ đầu năm 2012.

Trong năm 2012, VHG cũng đã phải cắt giảm danh mục đầu tư cổ phiếu đáng kể để thu hồi tiền mặt. Cuối năm 2011, VHG có một danh mục dài “lê thê” 17 mã cổ phiếu niêm yết với giá trị ghi sổ gần 11 tỷ đồng. Danh mục này hiện chỉ còn vài mã với giá trị ghi sổ 3,64 tỷ đồng nhưng đến giờ đã lỗ khá nặng như VMG (mua 17.5), PET (26.5), OGC (33.1).

Một hy vọng với VHG trong năm 2013 là công ty đã ký được một số hợp đồng sản xuất. Theo thông tin từ VHG, một số hợp đồng dự kiến ghi nhận doanh thu trong năm nay bao gồm: Hợp đồng trị giá 8,7 tỷ đồng với Tổng công ty Điện lực Miền Nam để cung ứng sản phẩm cáp quang và phụ kiện cho dự án xây dựng mạng truyền dẫn đường trục liên tỉnh phục vụ điều hành sản xuất của tổng công ty này. Dự án 12 tỷ đồng tuyến cáp quang quốc lộ 1A Vinh - Đà Nẵng, với chủ đầu tư là Công ty Viễn thông Liên tỉnh, thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Hợp đồng trị giá 7,7 tỷ cung cấp ống nhựa PVC và phụ kiện cho Công ty Mạng lưới thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) để triển khai các tuyến ngầm hóa tại Tp.HCM và Huế.

Số phận đầu tư “ngoài ngành”

VHG có một số dự án đầu tư ngoài hoạt động sản xuất chính, nổi lên là dự án tòa nhà D’Evelyn tại Đà Nẵng và dự án trồng cao su ở Quảng Nam. Đây là các dự án đang triển khai và mang tính dài hạn nhưng VHG không tiếp cận được các nguồn vốn dài hạn, chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho các dự án này. Ngay từ năm 2011, VHG đã thừa nhận kết quả kinh doanh lỗ do các dự án bất động sản, cao su chưa phát sinh doanh thu và lợi nhuận nhưng đã phải hạch toán các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện. Một phần vốn tài trợ dự án dài hạn này phải xoay sở bằng nguồn vốn ngắn hạn.

VHG, “án treo”, lỗ 7 quý và... tăng trần đột biến 3Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ 4 quý năm 2012 của VHG, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục không ổn định.

Thực tế trong năm 2012, VHG vẫn phải đầu tư cho nhiều dự án dở dang dù đang thiếu vốn lưu động cho sản xuất. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của VHG trong năm 2012 tăng lên 12,56 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Trong đó tiêu tốn nhiều nhất vẫn là dự án trồng cây cao su và dự án D’Evelyn, chiếm gần như toàn bộ chi phí tăng thêm.

Theo báo cáo giải trình kết quả kinh doanh quý 4/2012 của VHG, quý cuối năm vừa qua, chi phí tài chính của công ty tiếp tục gia tăng do hoạt động chuyển nhượng các dự án bất động sản đang gặp khó khăn vì thị trường đóng băng. Công ty tiếp tục phải huy động tín dụng ngân hàng tài trợ vốn cho hoạt động sản xuất, trong khi khách hàng chính là các doanh nghiệp nhà nước, đại lý thanh toán tiền mua hàng kéo dài, thậm chí quá hạn làm tăng chi phí vay vốn. 

Đây sẽ vẫn là những khó khăn trong năm 2013, nếu khả năng tiếp cận tín dụng của cả VHG lẫn khách hàng không được cải thiện. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ 4 quý năm 2012 của VHG, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục không ổn định. Quý 4 dòng tiền này tuy dương nhẹ 800 triệu nhưng vẫn không đủ khả năng cân đối. Dòng tiền phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tài chính, trong đó cơ bản là đi vay. Với sức ép tài chính này, khả năng tài trợ vốn cho các dự án ngoài lĩnh vực sản xuất chính sẽ tiếp tục gặp khó khăn.