Vi phạm hàng loạt quy định, 4 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị phạt nặng
Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, 3 trong số 4 doanh nghiệp vi phạm còn chịu hình thức phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động trong 18 tháng…
Trong tháng 10, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định xử phạt một loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động do có những vi phạm trong lĩnh vực này.
Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Quinn Hà Nội chịu mức xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất là 357,5 triệu đồng.
Doanh nghiệp này bị phạt do vi phạm nhiều quy định trong lĩnh vực xuất khẩu lao động như: Ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 11 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo diện Visa E7; chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Công ty này cũng không cam kết bằng văn bản việc ưu tiên tuyển chọn người lao động đã tham gia hoạt động chuẩn bị nguồn của doanh nghiệp; không đăng tải trên trang Thông tin điện tử của doanh nghiệp về văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận về việc chuẩn bị nguồn lao động; thực hiện không đúng các nội dung hợp đồng cung ứng lao động đã đăng ký và được chấp thuận.
Công ty TNHH Hợp tác giáo dục quốc tế Thời Đại Mới bị xử phạt vi phạm hành chính với mức 102,5 triệu đồng, do không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với 2 lao động; chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc tại Nhật Bản khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định pháp luật.
Công ty Cổ phần Tracodi Sông Đà bị xử phạt mức 75 triệu đồng. Lý do là ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với 1 lao động đi làm việc tại Hungary; chuẩn bị nguồn lao động khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ngoài bị phạt tiền, 3 công ty trên doanh còn chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động 18 tháng.
Công ty Cổ phần LMK Việt Nam bị phạt 27,5 triệu đồng, do đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định pháp luật; ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 1 lao động đi làm việc tại Hungary.
Doanh nghiệp này chỉ bị phạt tiền, không chịu thêm hình thức phạt bổ sung nào.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trong năm 2023, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục phục hồi tích cực. 9 tháng năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động (38.816 lao động nữ), đạt 101,37% kế hoạch năm 2023, (năm 2023, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động), và bằng 108,23% so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động).
Ước cả năm 2023, sẽ đưa được khoảng 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 104% kế hoạch.
Đến nay, số lao động hết hạn hợp đồng về nước gần 79.000 người. Hiện có khoảng 650.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Nhật Bản, khoảng 300.000 người; Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 250.000 người; Hàn Quốc khoảng 50.000 người. Số lao động còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông, Malaysia...
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, chiếm 80%; còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ.