11:41 27/06/2007

Vì sao doanh nghiệp thuỷ sản chưa mặn mà “lên sàn”?

Những thuận lợi, ưu thế từ việc lên sàn chứng khoán thì chủ doanh nghiệp thuỷ sản nào cũng có thể kể ra

Phần lớn doanh nghiệp thủy sản là doanh nghiệp tư nhân.
Phần lớn doanh nghiệp thủy sản là doanh nghiệp tư nhân.
Những thuận lợi, ưu thế từ việc lên sàn chứng khoán thì chủ doanh nghiệp thuỷ sản nào cũng có thể kể ra.

Nhưng để quyết định “lên sàn” lúc này thì phần đông doanh nghiệp vẫn còn e ngại, với nhiều lý do...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tỷ lệ doanh nghiệp của ngành lên sàn hiện rất nhỏ. Chỉ tính riêng trong số 250 doanh nghiệp thuộc hiệp hội, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân, hiện mới chỉ có 7 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

"Lên sàn", doanh nghiệp hiệu quả hơn?

“Tôi đồng ý với ý kiến: niêm yết trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn”, là khẳng định của bà Kim Xuân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Incomfish (Tp.HCM), khi nói về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Lý do đầu tiên mà bà Xuân đưa ra là, khi niêm yết, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều đòi hỏi sự công khai, minh bạch. Điều này vừa thể hiện đúng thực trạng của doanh nghiệp, vừa tạo sức ép, buộc những người điều hành công ty phải luôn cố gắng để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, giữ được sự tin tưởng, tín nhiệm của các cổ đông...

Chính thức niêm yết cổ phiếu vào tháng 12/2006, đồng thời doanh thu tăng đều thời gian qua có lẽ là cơ sở để vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Incomfish tin tưởng: “Lên sàn là xu hướng của các doanh nghiệp trên thế giới. Do đó, muốn phát triển mạnh mẽ thì việc đi theo mô hình công ty đại chúng là hướng đi tất yếu!”

Khác với quan điểm trên, bà Phan Thị Lượm, Phó tổng giám đốc Agifish (An Giang) - đơn vị đi đầu trong tiến trình cổ phần hóa, chính thức lên sàn chứng khoán đầu năm 2002 – lại cho rằng, không phải cứ lên sàn là doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn và việc có lên sàn hay không lại tùy thuộc vào cách nhìn nhận của người lãnh đạo cũng như chiến lược phát triển của mỗi công ty.

Bởi, “ngay như Agifish, căn cứ vào công bố tài chính hàng quý, cũng có quý tốt, có quý gặp khó khăn...”, bà Lượm nói.

Cũng có cùng suy nghĩ, ông Ngô Văn Ích - Giám đốc Nha Trang Seafood, đơn vị chuẩn bị lên sàn vào tháng sau, cũng khẳng định: “Tôi tin tưởng vào con đường đã chọn. Việc lên sàn nằm trong tính toán của chúng tôi nhằm phát triển sản xuất. Còn về hiệu quả của công ty sau khi lên sàn, tôi cho rằng, đó là do thực chất của mỗi doanh nghiệp".

Doanh nghiệp “ngoài sàn” và những “tâm sự”

Được thành lập từ năm 1996, Công ty TNHH Thương mại Sông Tiền, 11 năm nay hoạt động, phát triển dưới sự chèo lái của bà Giám đốc Nguyễn Thị Ánh. Với tổng số gần 600 công nhân, chia làm 2 nhà máy: đông lạnh và đồ hộp, Sotico (tên giao dịch của công ty) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tư nhân làm ăn hiệu quả ở Tiền Giang.

Trước “làn sóng lên sàn” của các doanh nghiệp gần đây, bà Ánh cho rằng, thuận lợi nhất của việc lên sàn là có thể huy động được nguồn vốn lớn để đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến bà Ánh chưa muốn đại chúng hóa Sotico lúc này.

“Thứ nhất, đây là công ty của mình, là vốn của cá nhân mình, trong phạm vi quản lý của mình, bây giờ đưa ra công chúng, mình phải làm hoàn thiện rất nhiều vấn đề”, bà nói.

Thứ hai, rất riêng tư, vị giám đốc này cho rằng: “Những năm qua, nhà máy của tôi đã là chỗ dựa về mặt vật chất, tinh thần cho hàng trăm công nhân, là con cháu trong gia đình, con em của những người đồng chí mình. Nếu vì lợi nhuận đơn thuần, cũng có thể tôi đã bán cổ phần hoặc kêu gọi nước ngoài qua đây đầu tư, nhưng tôi tin, những cái đó, công nhân của tôi sẽ không bằng so với tôi là người quản lý trực tiếp...”

Còn chủ doanh nghiệp tư nhân Phú Cường (Cà Mau) thì phân tích: “Mặc dù lên sàn có lợi nhuận cao nhưng mình chưa lên vì thứ nhất, mình luôn yêu mến và muốn giữ vững cái nền tảng, uy tín của doanh nghiệp. Tâm lý chung của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay là muốn chủ động làm, dù tiền có ít chút xíu nhưng không bị chi phối bởi những người khác.

Bên cạnh đó, cán bộ công nhân viên là những người trong gia đình, đã gắn bó lâu dài rồi, nếu mà lên thì công ty này họ không làm chủ nữa. Chưa kể, khi công ty mình còn non kém, chưa có sự chuẩn bị chắc chắn thì khi lên, giá trị sẽ không cao...”

"Lên sàn" không phải con đường duy nhất?

Hiện tượng doanh nghiệp sau một thời gian cổ phần hóa, lên sàn thì giá trị cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí, có doanh nghiệp tăng tới mười mấy lần so với mức giá ban đầu, cộng với “cơn sốt” chứng khoán hiện nay, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, đã khiến nhiều người có suy nghĩ, cứ cổ phần hóa xong, lên sàn rồi không làm gì cả lập tức giá trị doanh nghiệp cũng tăng lên...

Ông Dũng cho rằng, việc tăng này chỉ là một bối cảnh của một giai đoạn phát triển mà thị trường có lúc lên, lúc xuống... Còn chuyện lên sàn, xã hội hóa doanh nghiệp tư nhân, nó rất hay nhưng đi theo hướng này hay không lại là quyết định của mỗi doanh nghiệp.

Nhận xét về các doanh nghiệp đã lên sàn hiện nay như: Agifish, Navico, Thuỷ sản 4, Minh Phú, Fimex, Incomfish…, ông Dũng cho rằng, họ đều là những doanh nghiệp làm ăn tốt. Tuy nhiên, “làm ăn tốt” ở đây là do chính hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quyết định chứ không phụ thuộc vào việc lên sàn hay không!

Thực tế, “nhiều doanh nghiệp thuỷ sản trong Nam ngoài Bắc là các công ty TNHH làm ăn rất hiệu quả, có quy mô, tầm cỡ quốc tế nhưng khi được hỏi tại sao chưa cổ phần hóa thì họ trả lời rằng, không thấy cần thiết phải cổ phần.

Việc niêm yết trên sàn chứng khoán không phải là quá trình bắt buộc mà các doanh nghiệp phải theo. Mỗi doanh nghiệp có những điều kiện, phương thức, bước đi riêng. Đây không phải là một cứu cánh cho doanh nghiệp”, ông Dũng khẳng định.