Vì sao là “Thành phố Xanh” Cần Thơ vẫn chìm trong biển nước?
Trong những ngày gần đây, mưa nhiều trên khắp các tỉnh phía Nam cùng với mực nước từ các sông trong khu vực dâng cao do nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về kết hợp triều cường, khiến nhiều địa phương bị ngập nặng. Là một thành phố đồng bằng và là “Thành phố Xanh Quốc gia” 2024, trong những ngày trung tuần tháng 10 vừa qua, trung tâm Cần Thơ đã “chìm sâu” trong biển nước...
So với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Cần Thơ có nhiều thuận lợi khi gần như không chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nước ngọt quanh năm và ít chịu tác động trực tiếp bởi lượng nước thượng nguồn đổ về vào mùa nước nổi như ngập lụt,…
MƯA LỚN, TRIỀU CƯỜNG VƯỢT MỨC BÁO ĐỘNG
Tuy nhiên, Cần Thơ được dự báo là một trong 5 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Do đó, địa phương này đã chủ động xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo và các giải pháp chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu như: nhận diện các rủi ro ngày càng nghiêm trọng, sụt lún, sạt lở, nước biển dâng, triều cường gây ngập lục đô thị, hạn hán, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...
Thời gian qua, Thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều dự án về hạ tầng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Điển hình và trọng điểm đó là dự án phát triển Thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3) với mục tiêu chống ngập cho trung tâm thành phố, cụ thể là kiểm soát ngập cho gần 2.700 ha trung tâm quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy.
Dự án có tổng mức đầu tư 9.167 tỷ đồng, gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), vốn viện trợ không hoàn lại từ SECO (Thụy Sĩ) và vốn đối ứng ngân sách nhà nước. Công trình gồm 3 hợp phần với 46 gói thầu, được khởi công vào tháng 9/2022. Đến nay đã hoàn thành 42 gói thầu, các gói thầu còn lại đang thực hiện; đạt trên 80% tổng khối lượng toàn dự án.
Ban quản lý Dự án ODA Thành phố Cần Thơ cho biết Dự án 3 có tổng cộng 14 cống, trong đó có 2 âu thuyền là Cái Khế và Hàng Bàng, đến nay đã hoàn thành. Âu thuyền Cái Khế là công trình lớn nhất trong 14 cống.
Ngoài hệ thống kè kết nối vào cống và 1 trạm bơm dự phòng công suất 48 m3/s, còn có các hạng mục phát sinh như khuôn viên nhà quản lý, cây xanh tạo cảnh quan tại công trình. Hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho Cần Thơ vận hành hoàn toàn tự động, các cảm biến ở nhiều vị trí khác nhau có thể đo lượng mưa, lượng nước. Từ đó, hệ thống sẽ đưa ra lệnh đóng hay mở cống, tắt hay mở máy bơm khi cần thiết.
Dự án 3 cũng nhằm cải tạo hệ thống thoát nước tại 32 tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều như đường Cách Mạng Tháng Tám, đường tỉnh 918, công trình kè dọc bờ sông Cần Thơ (ngăn nước từ sông Cần Thơ đổ vào vùng dự án), bến Ninh Kiều (bảo đảm thoát nước nhanh cho khu vực bến trong tình trạng ngập nặng), rạch Cái Khế (điều tiết lượng nước vào rạch để bảo vệ vùng lõi trung tâm thành phố),...
Ngoài ra, dự án còn có các gói thầu cải tạo 14 rạch lớn nhỏ của quận Ninh Kiều; khi hoàn thành, các rạch này sẽ điều tiết nước tốt hơn khi mưa lớn hay triều cường.
Với loạt cống ngăn triều, cống thoát, âu thuyền với “lá chắn nước” trị giá hàng ngàn tỷ đến nay đã cơ bản hoàn thành. Thế nhưng, trong những ngày trung tuần tháng 10 vừa qua, trung tâm thành phố đã “chìm sâu” trong biển nước. Cụ thể, chiều ngày 14/10, sau trận mưa lớn kéo dài, hàng loạt tuyến đường ở Thành phố Cần Thơ, như ở quận Ninh Kiều, đã bị ngập nặng.
Giải thích lý do bị ngập nặng, lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố Cần Thơ cho rằng vì hệ thống cống thoát trong nội thị Cần Thơ được tính toán chịu được áp lực nước rút với lượng mưa là 90 mm; trong khi trận mưa lớn chiều 14/10 đo được lưu lượng trên 100 mm.
Đặc biệt, đợt triều cường vào ngày 18– 19/10 vừa qua (tức ngày 16 và 17/9 âm lịch là thời điểm con nước rong, như tục ngữ: “Mười bảy nước nhảy khỏi bờ”), nhiều tuyến đường trong toàn bộ khu vực bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ) chìm trong biển nước, có nơi ngập sâu cả mét, làm đảo lộn sinh hoạt thường nhật của người dân.
KHAI THÁC NƯỚC NGẦM QUÁ MỨC VÀ SỤT LÚN HẠ TẦNG
Ban quản lý Dự án ODA Thành phố Cần Thơ (chủ đầu tư dự án 3), cho biết đợt triều cường trong hai ngày 18 và 19/10 là đợt triều cường lớn nhất trong năm và vượt mức báo động III, xấp xỉ đợt triều cường năm 2022 là mực triều cường kỷ lục ở Cần Thơ.
Đơn vị này cũng thông tin hệ thống máy bơm trong khu vực đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không “giải cứu” được khu vực biển nước Ninh Kiều.
ng Nguyễn Văn Tho, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án ODA phân tích: khi triều cường dâng cao, nước từ sông Hậu, sông Cần Thơ tràn vào các con kênh, rạch nhỏ trong khu vực, tràn ngược vào hệ thống cống thoát của thành phố, tràn lên bờ với cường độ mạnh, gây ngập lụt toàn khu vực.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy khi mưa lớn và triều cường dâng cao như các thời điểm 14/10 và 18– 19/10 vừa qua, dù hàng loạt tuyến đường ngập sâu nhưng tại 32 tuyến đường và các khu vực thuộc phạm vi dự án 3, hoạt động chống ngập và triều cường diễn ra hiệu quả.
Cụ thể, các tuyến đều được lắp đặt hệ thống cống thoát nước, thảm nhựa, tăng cường khả năng thoát nước cho các tuyến đường nội ô kết hợp với 2 trạm bơm cục bộ, góp phần chống ngập úng cho khu vực trung tâm thành phố.
Các tuyến đường bị ngập chủ yếu có hệ thống thoát nước cũ và chưa được cải tạo.
Một vấn đề được đặt ra là vì sao thời gian gần đây, Cần Thơ và nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều bị ngập, ngập sâu sau mỗi trận mưa lớn và triều cường?
Lý giải điều này, tại hội nghị thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra mới đây tại Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng ngập úng, lún sụt ở đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn, không phải riêng Cần Thơ. Khai thác nước ngầm, sụt lún hạ tầng, kể cả hạ tầng nông nghiệp nông thôn chứ không riêng gì hạ tầng giao thông. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề mang tính chất liên vùng, liên tỉnh chứ không riêng một nơi nào.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các tỉnh miền Tây Nam Bộ thời gian gần đây đối mặt với loại hình thiên tai, thời tiết cực đoan với hậu quả để lại hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của toàn vùng.
“Trong 30 năm qua, nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long mực nước dưới đất hạ xuống hơn 5 m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng”, ông Hoan cảnh báo.