11:54 12/07/2011

Vì sao Mỹ muốn giám sát kiểm toán ở Trung Quốc?

Hồng Ngọc

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dính bê bối kế toán vẫn được niêm yết tại Mỹ là nhờ đi cửa sau hoặc thâu tóm ngược

Chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc hiện chưa bằng một nửa mức đạt được hồi năm 2006.
Chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc hiện chưa bằng một nửa mức đạt được hồi năm 2006.
Theo hãng tin BBC, trong hai ngày 11-12/7, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp gỡ nhau để thảo luận biện pháp giám sát việc kiểm toán những doanh nghiệp Trung Quốc có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Những vụ bê bối kế toán mới được phát giác gần đây của các doanh nghiệp này đã làm tăng sức ép lên vai các nhà quản lý ở cả hai nước. Phía Mỹ đang hy vọng đạt được một thỏa thuận cho phép họ có quyền điều tra các tổ chức kiểm toán tại Trung Quốc. Song, Bắc Kinh phản đối, bởi coi đó là hành vi xâm phạm chủ quyền. Dẫu vậy, Trung Quốc cũng "ra dấu" rằng, biện pháp kiểm tra chung có thể là một giải pháp thích hợp.

Từ đầu năm tới nay, một số doanh nghiệp đến từ Trung Quốc có cổ phiếu niêm yết tại Mỹ đã phải đối mặt với các cáo buộc về gian lận kế toán. Nhiều mã cổ phiếu đã bị hủy bỏ niêm yết. Theo một bài viết trên tạp chí Time số ra tháng trước, vào giữa tháng 5 vừa qua, 15/19 cổ phiếu bị ngừng giao dịch trên sàn Nasdaq là của các công ty Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, có thêm hai cổ phiếu Trung Quốc nữa cùng chung số phận.

James Doty, Chủ tịch Hội đồng giám sát kế toán công ty công tại Mỹ, cho biết chuyến làm việc lần này với các đối tác Trung Quốc là bước đầu tiên để tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề kiểm toán xuyên biên giới. Ông nói: "Chúng tôi chia sẻ mục tiêu chung với các nhà quản lý Trung Quốc là nhằm bảo vệ các nhà đầu tư và bảo vệ chất lượng kiểm toán thông qua hợp tác song phương".

Trên thực tế, theo BBC, nhiều công ty dính bê bối vẫn được niêm yết tại Mỹ nhờ đi cửa sau hoặc thâu tóm ngược (một công ty chưa đủ điều kiện niêm yết đã dùng biện pháp thâu tóm hay sáp nhập để chiếm quyền kiểm soát một công ty đã niêm yết và nghiễm nhiên được niêm yết trên thị trường chứng khoán bằng sự đổi tên của cổ phiếu đã niêm yết - PV).

Và thậm chí cho dù nhiều công ty sử dụng các kiểm toán viên ở Mỹ, song các nhà chức trách vẫn tỏ ra lo ngại về việc thiếu thông tin chính xác về các doanh nghiệp này cũng như tình hình tài chính của họ. Hồi tháng 5, hãng phần mềm Longtop đã bị công ty kiểm toán Deloitte cáo buộc là đã có những "sai phạm nghiêm trọng", bao gồm giả mạo báo cáo ngân hàng.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu ở Mỹ. Cổ phiếu của Sino-Forest Corp, một công ty Trung Quốc niêm yết ở sàn chứng khoán Toronto (Canada) đã sụt giảm tới 73% kể từ ngày 1/6 tới nay, sau khi có cáo buộc rằng công ty đã giả mạo giấy tờ sở hữu đất đai. Mặc dù Sino-Forest bác bỏ cáo buộc, nhưng điều đó cũng đủ khiến chuyên gia quản lý quỹ người Mỹ John Paulson thấy bất an.

Tại Hồng Kông, một công ty chuyên trồng rừng khác là China Forestry hồi tháng 5 vừa qua đã thừa nhận rằng, các bản báo cáo ngân hàng và hồ sơ thu chi của họ đã bị làm giả, trong khi tài khoản của họ thì bị mất. China Forestry đã đổ lỗi này lên đầu cựu Giám đốc điều hành, người đã bị giam giữ tại Trung Quốc hồi tháng 2 năm nay vì tội biển thủ.

Theo BBC, những vụ bê bối kế toán này đã nêu bật một số khó khăn khi đầu tư vào Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang bùng nổ không nhất thiết đảm bảo lời lãi trên thị trường chứng khoán. Kết thúc phiên cuối tuần trước, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc, Shanghai Composite, chốt ở mức 2.797,70 điểm, chưa bằng một nửa mức mà nó đạt được trong năm 2006. Chỉ số này cũng giảm gần 8% trong ba tháng qua.

Hãng tin Anh cho rằng, thị trường chứng khoán của Trung Quốc mới hoạt động chưa đầy 20 năm. Tình trạng buôn bán tay trong, lũng đoạn thị trường và các vấn đề lạm dụng khác vẫn còn phổ biến. Quản trị doanh nghiệp còn lỏng lẻo và các công ty Trung Quốc bị đồn rằng, họ thường có tới ba tài khoản khác nhau - một cho các nhà kiểm toán, một cho chính phủ và một cho giới quản lý.