14:54 17/10/2011

Vì sao ngân hàng vẫn đứng ngoài phái sinh hàng hóa?

Nguyễn Hoài

Ngân hàng đang đứng ở đâu và phải làm gì để góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường phái sinh hàng hóa?

Đáng lẽ, quy trình sản xuất hiện đại là: trước khi sản xuất phải có hợp đồng tiêu thụ, sau đó mới đến khâu lưu trữ và giao hàng nhằm chủ động đầu ra cho sản phẩm, thì ở Việt Nam đang làm ngược: sản xuất trước, phân loại sau rồi mới đến giao nhận.
Đáng lẽ, quy trình sản xuất hiện đại là: trước khi sản xuất phải có hợp đồng tiêu thụ, sau đó mới đến khâu lưu trữ và giao hàng nhằm chủ động đầu ra cho sản phẩm, thì ở Việt Nam đang làm ngược: sản xuất trước, phân loại sau rồi mới đến giao nhận.
Ngân hàng đang đứng ở đâu và phải làm gì để góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường phái sinh hàng hóa?

Thờ ơ với phái sinh

Tại một hội thảo do VietinBank tổ chức mới đây, ông Nguyễn Duy Phương, Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) nhận xét, mặc dù tỷ trọng giá trị các mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng chuỗi sản xuất - kinh doanh hàng nông, lâm sản vẫn chủ yếu theo “kiểu truyền thống”, nên người nông dân chưa thể thoát khỏi tình trạng “được mùa mất giá” hay “giá cao thì trồng, giá thấp thì chặt”.

Thực tế này, theo ông Phương, dẫn đến sản xuất mang tính tự phát, quy mô nhỏ, chất lượng hàng hóa vừa thấp, vừa không đồng đều; từ đó, quy chuẩn hàng hóa nông sản xuất khẩu Việt Nam không được các nhà nhập khẩu thế giới công nhận rộng rãi, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp và nông dân.

Ông Phương cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do Việt Nam hiện chưa có công cụ giao dịch hàng hóa phái sinh, nên giá cả bất ổn, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Bởi thế, đáng lẽ, quy trình sản xuất hiện đại là: trước khi sản xuất phải có hợp đồng tiêu thụ, sau đó mới đến khâu lưu trữ và giao hàng nhằm chủ động đầu ra cho sản phẩm, thì ở Việt Nam đang làm ngược: sản xuất trước, phân loại sau rồi mới đến giao nhận. Với cách thức này, gặp lúc giá nông, lâm sản thế giới diễn biến phức tạp, sản xuất, xuất khẩu sẽ bị lỡ cơ hội hoặc rủi ro do biến động giá.

“Những nhân tố này tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đặt ra yêu cầu bức thiết phải có tổ chức giúp nhà sản xuất bảo hiểm được những rủi ro biến động giá và Sở Giao dịch hàng hóa là nơi thực hiện chức năng này. Ngoài ra, đó còn là kênh giúp các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trên sàn”, ông Phương nói.

Một chuyên gia khác cho biết, trên thế giới hiện có khoảng 70 sở giao dịch hàng hóa, riêng châu Á có 30 sở giao dịch, chủ yếu giao dịch phái sinh với các mặt hàng nông sản. Nhờ vậy, hàng hóa luôn ổn định giá và mức độ cạnh tranh cao hơn; nhà sản xuất được hỗ trợ nhiều hơn nhờ việc kết nối thành công giữa mua và bán; đồng thời, hàng hóa được chuẩn hóa về chất lượng và chủng loại.

Còn tại Việt Nam, VNX đã chính thức hoạt động từ ngày 11/1/2011. Tuy nhiên, do thời gian hoạt động ngắn, các nhà tham gia sàn đang trong giai đoạn thăm dò nên tính chất vẫn sơ khai, hầu hết giao dịch vẫn là mua bán giao ngay, rất ít giao dịch tương lai.

Đột phá từ ngân hàng

Một câu hỏi đặt ra: ngân hàng đứng ở đâu và phải làm gì để góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường phái sinh hàng hóa?

Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, cán bộ Techcombank, giữa Sở Giao dịch hàng hóa và hệ thống ngân hàng thương mại có  mối quan hệ tương hỗ rất rõ: Sở Giao dịch hàng hóa ổn định minh bạch sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng thương mại đa dạng hóa sản phẩm và kinh doanh hiệu quả, an toàn; đồng thời, khi hệ thống ngân hàng thương mại phát triển, sẽ củng cố cho Sở Giao dịch hàng hóa đảm bảo an toàn hệ thống, tăng trưởng mạnh về quy mô.

Ngân hàng thương mại có thể đảm bảo cho sự  tuần hoàn của hệ thống thanh toán Sở Giao dịch hàng hóa bằng các nghiệp vụ: quản lý tài khoản nhà đầu tư, tài khoản ký quỹ, quản lý tài sản ký quỹ của thành viên, nhà đầu tư; thực hiện thanh toán bù trừ cho các kết quả giao dịch; theo dõi đánh giá trạng thái của nhà đầu tư, ngăn ngừa rủi ro thanh toán; giám sát, đánh giá khả năng thực hiện hợp đồng, ngăn ngừa rủi ro do vi phạm hợp đồng...

Đặc biệt, vai trò của ngân hàng còn thể hiện ở chỗ: tài trợ tín dụng cho nhà đầu tư mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa, tài trợ tín dụng cho hàng hóa lưu ký tại Sở Giao dịch hàng hóa.

Vì thế, nhìn từ góc  độ quản lý nhà nước của lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, trước hết, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần xác định đúng vị thế của ngành hàng sản xuất nông, lâm sản để cung cấp tỷ trọng tín dụng xứng tầm hơn.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn thống nhất về cơ chế thanh toán bù trừ, thời hạn thanh toán bù trừ, các tài sản  đảm bảo được phép sử dụng để thay thế ký quỹ.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng thương mại được cung cấp dịch vụ môi giới giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa để tận dụng và phát huy hiệu quả các lợi thế của những ngân hàng thương mại am hiểu thị trường, có đủ năng lực tài chính và mạng lưới rộng khắp.

Thứ tư, theo TS. Phí Đăng Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), hiện nay, hành lang pháp lý để thực hiện giao dịch ngoại hối phái sinh còn thiếu. Ngân hàng Nhà nước chưa có các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ phái sinh, chưa có bộ quy tắc chuẩn mực về giao dịch phái sinh. Vì thế, mỗi khi ngân hàng muốn đưa ra một sản phẩm phái sinh phải được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, điều này không những tạo cơ chế xin cho mà còn làm nản lòng các ngân hàng.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành các văn bản pháp lý về hoạt động, kinh doanh nghiệp vụ phái sinh để định hướng, tạo hành lang pháp lý và cho phép các khách hàng tham gia thị trường phái sinh.