12:27 17/05/2015

Vì sao “vua” mắc-ca Lâm Đồng rơi vào bế tắc?

Việt Hoàng

Ông Vinh gặp những rủi ro có tính sống còn, để rồi rơi vào tình thế giữa đường đứt gánh

Ông Trần Vinh bên vườn mắc-ca của mình tại xã Tà Lũng (Đà Lạt).<br>
Ông Trần Vinh bên vườn mắc-ca của mình tại xã Tà Lũng (Đà Lạt).<br>
Ngày 16/5, đến Đà Lạt dự một hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên, nghe chuyện “vua” mắc-ca Lâm Đồng đang rơi vào bế tắc, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng đến thẳng thực địa tìm hiểu.

Chỉ khoảng chục cây số, nhưng quãng đường dẫn vào khu trại mắc-ca của ông Trần Vinh - người được mệnh danh là “vua” mắc-ca Lâm Đồng - có thể xem là thử thách lớn, khi phải mất cả giờ đồng hồ để dò dẫm vượt qua.

Ý tưởng trước đường xa…

Từng làm nghề nhiếp ảnh, năm 2005, ông Trần Vinh rẽ ngang bằng quyết định dồn cả gia tài cho cây mắc-ca.

“Tôi đam mê và theo đuổi loại cây này khi tìm hiểu và nhận thấy giá trị kinh tế lớn của nó. Tại Việt Nam chục năm trước và cho đến nay các sản phẩm mắc ca vẫn rất khan hiếm. Tôi tin tưởng sẽ thành công”, ông Vinh kể.

Là một trong những người đầu tiên tại Lâm Đồng trồng và mở rộng nhanh loại cây này, góp vốn với một người bạn, ông Vinh được gọi là “vua” mắc-ca tại địa phương này, vì khoản đầu tư tới hơn 40 tỷ đồng trên diện tích 210 ha đất thuê 50 năm.

Trên thực tế, diện tích thực trồng mắc-ca là khoảng 140 ha, còn lại là đất rừng bảo vệ. Nhưng chừng đó cũng đã quá lớn cho một sự khởi đầu trong quyết định đầu tư của các cá nhân, với một loại cây còn rất mới tại Việt Nam hồi 2005.

Thành quả ban đầu cũng sớm đến. Chỉ sau ba năm, cây đã bói quả. Những mùa đầu tiên đã cho thu khoảng 600 - 700 triệu đồng. Đây cũng là sự khích lệ để ông Vinh và một người bạn cùng góp vốn mở rộng nhanh diện tích trồng mới cho đến nay.

Ý tưởng và đích đến chưa dừng lại đó. Trên thảm cỏ lút chân người xen vườn mắc-ca, nhiếp ảnh gia một thời nhìn xuôi dưới chân đồi, nơi dải đất rộng mà ông muốn có một trại bò kết hợp. Cùng đó là tính toán trồng xen cả cây môn cho thu ngắn hạn…

Nếu làm được mô hình trồng xen cỏ và nuôi bò, xen môn với mắc-ca, ông Vinh tin chắc sẽ sớm có nguồn thu lớn, trước khi mắc-ca dự tính sẽ cho kết quả sau hai năm nữa.

Xa hơn, ý tưởng mà ông tâm đắc là xây dựng một mô hình du lịch sinh thái gắn với vườn mắc-ca, dù cảnh quan nơi đây không có gì nổi bật và đặc biệt, ngoài những dải mắc-ca xen cỏ phần lớn mới 3 năm tuổi.

“Không cần thu phí thăm vườn, chỉ cần mở dịch vụ chở khách thăm quan là đã có doanh thu lớn rồi. Tôi tính, giả sử mỗi năm có 5 triệu khách đến Đà Lạt, chỉ khoảng 1/5 trong đó đến đây là đã thành công”, ông Vinh nói.

Ý tưởng trồng xen, nuôi bò và tạo điểm du lịch sinh thái là vậy. Còn thực tế hiện nay là khu vườn mắc-ca đã hai năm qua chưa từng được tưới và chăm sóc đúng nghĩa. Vì ông Vinh đã cạn vốn.

“Đâu phải vì mắc-ca!”

Từ đầu năm nay, ông Trần Vinh đánh tiếng bán lại dự án, hoặc tìm thêm người góp vốn để tiếp tục theo đuổi cây mắc-ca. Ông tin tưởng chỉ cần hai năm nữa cây sẽ cho nguồn thu thực sự.

Dồn mọi nguồn lực cùng với bạn đổ vốn vào đây. Đến nay, nhìn những gốc mắc-ca mòn mỏi không được chăm sóc, hẳn chủ nhân của chúng không khỏi đau lòng. Nhưng ông bất lực.

Ý tưởng lớn, quyết tâm lớn nhưng đường quá dài so với tiềm lực vốn - đã dồn phần lớn cho đầu tư ban đầu. Hơn nữa, ông Vinh gặp những rủi ro có tính sống còn, để rồi rơi vào tình thế giữa đường đứt gánh.

Người bạn có vốn góp lớn, vì một lý do cá nhân, bỗng rút khỏi dự án giữa chừng. Ông Vinh đơn độc gánh nốt cả quy mô còn lại.

Rủi ro lớn thứ hai, một mắt xích quan trọng trong dòng tiền gối đầu bị đứt. Gặp tranh chấp về đất đai, khoảng 60 ha mắc-ca ông Vinh đã trồng, lẽ ra giờ đã cho nguồn thu theo tính toán của ông, lại buộc phải chặt bỏ…

Hai sự cố chí mạng đó khiến người đàn ông có ý tưởng lớn và mạnh bạo này đứng trước bài toán chưa có lời giải: 140 ha mắc-ca trước mặt cùng bình quân khoảng 30 nhân công cố định và khoảng 70 nhân công mùa vụ, trong khi phần lớn cây mới chỉ khoảng 3 tuổi và chưa cho trái.

Việc thu hút nhà đầu tư mới, hay khả năng bán lại vườn vẫn còn để ngỏ. Có những người đến tìm hiểu, nhưng họ cho là mạo hiểm.

Trước một số thông tin phản ánh gần đây, ông Vinh phàn nàn: “Không như báo chí viết, khó khăn hiện nay của tôi không phải là vì cây mắc-ca. Tôi không sai lầm với mắc-ca. Nó là cây triển vọng, cho giá trị lớn và tôi tin tưởng thành công với nó. Nhưng những rủi ro nói trên xẩy ra khi thực hiện dự án khiến tôi cạn vốn để tiếp tục theo đuổi”.

“Buộc phải tái cơ cấu”


Đọc báo và biết chuyện, ngày 16/5, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank (đầu mối đang xây dựng gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho phát triển mắc-ca), cùng một số nhà đầu tư xuống tận vườn ông Vinh để tìm hiểu.

Quãng đường khoảng chục cây số dò dẫm với “ổ voi”, sườn dốc và sạt lở. Đây là điểm hạn chế đầu tiên được họ cân nhắc, khi tính tới khó khăn và chi phí vận tải gắn với dự án.

Các nhà đầu tư dự án mắc-ca tại Khe Sanh (Quảng Trị) có mặt tại chuyến khảo sát. Họ lắc đầu khi thổ nhưỡng tại đây không như mong muốn, đất xen đá và độ dốc quá lớn có thể hút gió mạnh mà không phù hợp với phát triển mắc-ca.

Ông Huỳnh Văn Trí, người đang triển khai dự án 1.000 ha mắc-ca tại Khe Sanh bày tỏ lo ngại về vấn đề giống. Ông Trí tự nhập hạt và mắt ghép từ Úc về để chuẩn hóa nguồn giống của vườn mình ngay từ đầu, nên khi tiếp cận cách làm của ông Vinh, ông Trí không đặt nhiều tin tưởng hiệu quả về sau.

Ông Hưởng cũng tỏ ra thất vọng khi mắc-ca tại đây đều là cây thực sinh, trồng tự phát và chủ quan về kỹ thuật. Trong khi quan điểm của ông Vinh thì đây là cây rừng, không phù hợp làm cây ghép, phải là cây thực sinh để chống mưa gió…

Ý kiến chung của đoàn khảo sát tập trung ở các vấn đề lớn trong dự án của ông Trần Vinh: điều kiện giao thông bất lợi, kỹ thuật giống và thổ nhưỡng hạn chế.

Về quy mô triển khai và cân đối vốn đầu tư, ở đây có sự tự phát quá tay và bị động với các tình huống rủi ro, thay vì thí điểm cẩn trọng từ đầu với từng bước đi chắc chắn gắn với các điều kiện của dự án.

Trước thực tế này, Phó chủ tịch LienVietPostBank nêu quan điểm, dự án của ông Vinh buộc phải tái cơ cấu, trước khi tính đến việc gọi vốn.

“Cải tạo thổ nhưỡng gần như là bất khả thi. Nhưng về giống, cần phải đưa chuyên gia và kỹ sư về khảo sát và làm lại, thực hiện ghép giống tiêu chuẩn và đúng kỹ thuật từ cây thực sinh đã có. Nếu ông Vinh đồng ý, chúng tôi sẽ tài trợ để mời các chuyên gia về hỗ trợ cho việc tái cơ cấu lại vườn”, ông Hưởng nói.