12:18 02/10/2023

Thanh khoản tiếp tục lao dốc, cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn nóng

Kim Phong

Số liệu vĩ mô quý 3 cho thấy sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu trong đó có thủy sản đã góp phần đẩy giá cổ phiếu nhóm này tăng mạnh trong phiên sáng nay, thậm chí nhiều mã kịch trần. Nhóm đầu tư công, phân bón cũng đóng góp nhiều đại diện tăng mạnh. Thanh khoản chung vẫn đang sụt giảm chóng mặt, nhưng lợi thế giảm bán đã hỗ trợ giá cổ phiếu tăng tốt...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang thiếu đồng thuận là lý do khiến VN-Index lình xình yếu.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang thiếu đồng thuận là lý do khiến VN-Index lình xình yếu.

Số liệu vĩ mô quý 3 cho thấy sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu trong đó có thủy sản đã góp phần đẩy giá cổ phiếu nhóm này tăng mạnh trong phiên sáng nay, thậm chí nhiều mã kịch trần. Nhóm đầu tư công, phân bón cũng đóng góp nhiều đại diện tăng mạnh. Thanh khoản chung vẫn đang sụt giảm chóng mặt, nhưng lợi thế giảm bán đã hỗ trợ giá cổ phiếu tăng tốt.

Sàn HoSE đang có 5 mã kịch trần thì tới 3 mã thủy sản là ANV, CMX và FMC. Ngoài ra VHC tăng 3,93%, IDI tăng 6,32%, ACL tăng 4,41%, ABT tăng 3,26%... Dù so với nhiều cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu khác, thanh khoản luôn là hạn chế của các mã thủy sản. Dù vậy ANV giao dịch rất khá với khoảng 72 tỷ đồng; IDI gần 53 tỷ, VHC hơn 43 tỷ…

Tuy VN-Index kết phiên chỉ tăng 0,44% tương đương 5,11 điểm so với tham chiếu nhưng độ rộng rất tốt với 295 mã tăng/165 mã giảm, trong đó 137 mã tăng trên 1%. Rổ VN30 chỉ đóng góp 6 mã trong số này, còn lại toàn là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Chỉ số Smallcap đang tăng 0,9%, Midcap tăng 1,22% và VN30-Index tăng 0,32%.

Ngoài nhóm thủy sản số tăng mạnh còn có nhiều đại diện khác, dù không hàm ý toàn bộ nhóm ngành. Lĩnh vực bất động sản và đầu tư công xuất hiện FCN tăng 4,79%, HHV tăng 4,76% LCG tăng 4,12%, VPH tăng 4,38%... Nhóm phân bón có DCM tăng 3,66%, DPM tăng 2,98%, BFC tăng 2,12%, LAS tăng 1,56%, PCE tăng 3,02%... Nhóm chứng khoán có HAC, VUA, VIX, BVS, HBS, VCI tăng từ 2% tới 6%...

Nhìn chung đà tăng giá sáng nay khá tốt nhưng thanh khoản rất kém, ngay cả những cổ phiếu tăng giá mạnh cũng không hút được nhiều tiền. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE mới đạt hơn 4.658 tỷ đồng, giảm 14% so với phiên cuối tuần trước và lại lập đáy mới kể từ tháng 6/2023. Sàn này có 8 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng, trong đó 5 mã tăng trên 1% là SSI tăng 1,73% với 300,5 tỷ; VIX tăng 3,17% với 175,2 tỷ; HAH tăng 3,09% với 124,7 tỷ; MSN tăng 1,7% với 109,1 tỷ; VND tăng 1,9% với 102,9 tỷ.

Trong tổng số 137 mã trên HoSE đang tăng hơn 1%, phân bổ thanh khoản chỉ có 19 mã giao dịch từ 50 tỷ đồng trở lên (5 mã trên 100 tỷ), ngoài ra 30 mã khác giao dịch trong vùng từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng. Như vậy chỉ có 36% số cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sáng nay là đạt thanh khoản chấp nhận được, còn lại đều là nhờ giao dịch lẻ tẻ.

Diễn biến chỉ số VN-Index sáng nay.
Diễn biến chỉ số VN-Index sáng nay.

Đối với đa số nhà đầu tư, tăng giá mới là yếu tố quyết định vì lời lãi là dựa trên giá. Tuy nhiên thanh khoản lại hàm ý có dòng tiền lớn tham gia cuộc chơi hay không. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn có thể tác động được đến giá nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ của thị trường và cũng chỉ có tác dụng với các mã vốn hóa nhỏ, thanh khoản kém.

Rổ VN30 sáng nay mới khớp được 1.594 tỷ đồng và hơn 41% dồn vào 4 mã là SSI, STB, VIC và MSN. Điểm tích cực là ngay ở nhóm này, yếu tố giảm bán cũng hỗ trợ giá khá tốt. Độ rộng 19 mã tăng/10 mã giảm và nhóm này vẫn đang làm tốt nhiệm vụ giữ chỉ số. Sức ảnh hưởng của vốn hóa là rõ ràng khi Top 10 cổ phiếu kéo điểm cho VN-Index vẫn là các mã thuộc rổ VN30, dù biên độ tăng giá kém xa nhiều mã khác. VNM tăng 1,48%, VRE tăng 3,26%, MSN tăng 1,7%, VHM tăng 0,88%, GVR tăng 2,05%, VIC tăng 0,75% là những trụ mạnh nhất, dù giá không hẳn là nổi bật.

Một điểm tích cực khác là khối ngoại đang giảm bán rất đáng chú ý. Tổng giá trị bán ra trên HoSE mới đạt 288,9 tỷ đồng, chưa bằng một nửa sáng phiên trước và thấp nhất kể từ đầu tháng 7/2023. Tuy nhiên bên mua cũng không có gì nổi trội, mức ròng là 62,6 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào SSI +54,8 tỷ ròng. Dù vậy khối ngoại giảm áp lực cũng là một điều tốt vì hai phiên cuối tuần trước khối này rút đi tới gần 950 tỷ đồng, có thể là do các hoạt động lướt sóng ngắn.