14:36 15/05/2024

Việc mua được nhà riêng đối với công nhân là vô cùng khó khăn

Nhật Dương

Với mức thu nhập chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng, việc mua nhà đối công nhân di cư rất khó khăn. Họ có thể phải mất đến vài chục năm tích lũy để hiện thực hóa mơ ước này...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhà ở luôn là vấn đề cấp thiết và bức xúc của người lao động từ trước đến nay, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có đông lao động ngoại tỉnh đang làm việc.

HƠN 70% CÔNG NHÂN PHẢI ĐI THUÊ TRỌ

Tại Hà Nội, theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh.

Tuy nhiên, hiện khoảng trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao..., gây khó khăn cho đời sống công nhân lao động.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh (Hà Nội), thừa nhận thực tế vấn đề phát triển nhà ở, phúc lợi cho công nhân lao động luôn là nhu cầu bức thiết.

Theo ông Tuấn, nhiều năm qua, dù đã có nhiều quyết sách thiết thực hỗ trợ người lao động nhưng trên thực tế, công nhân tại các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn gặp muôn vàn khó khăn, vất vả khi đối mặt với nhu cầu về nhà ở, cũng như các nhu cầu tối thiểu để ổn định cuộc sống.

“Với thu nhập khoảng 6 - 9 triệu đồng mỗi tháng của công nhân di cư, mua nhà ở là việc rất khó khăn, thậm chí phải mất đến vài chục năm tích lũy. Vì vậy, chủ yếu công nhân phải thuê trọ tại khu dân cư, đa phần không thể đảm bảo được điều kiện về an toàn, vệ sinh, an sinh”, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh trăn trở.

Vì thế, vị cán bộ công đoàn kiến nghị Quốc hội ban hành thêm nhiều chính sách hỗ trợ về giá nhà ở cho công nhân lao động. Đồng thời, khuyến khích thêm nhiều chủ đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, như nhà ở, trường học, bệnh viện..., cho đối tượng là người lao động, vì đây là nhóm có vai trò khôi phục, thúc đẩy nền kinh tế.

Cũng cho rằng nhà ở là vấn đề mà bất kỳ người lao động nào cũng quan tâm, bà Phùng Nguyệt Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần FECON, thậm chí còn nói là yếu tố quyết định đến chất lượng cuộc sống cũng như nơi ăn chốn ở của người lao động. Khi có nhà ở ổn định, người lao động mới yên tâm làm việc, cống hiến, đặc biệt đối với những lao động nữ có con nhỏ đang phải thuê trọ ở những khu nhà chật chội, ẩm thấp, điều kiện sinh hoạt khó khăn.

Từ thực tiễn này, bà Hà cũng kiến nghị TP. Hà Nội sẽ có những chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể về vấn đề giải quyết và hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động trong giai đoạn hiện nay.

MỨC THU NHẬP VẪN CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU TỐI THIỂU 

Về vấn đề nhà ở của công nhân lao động trong các khu công nghiệp, ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, cho biết thời gian qua thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, chủ yếu hỗ trợ người lao động làm việc tại các khu công nghiệp.

Đơn cử như giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước; vận động chủ doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp…

Một khu nhà ở cho công nhân tại Hà Nội. Ảnh: An Hạnh.
Một khu nhà ở cho công nhân tại Hà Nội. Ảnh: An Hạnh.

Các cấp công đoàn thành phố cũng tăng cường các hoạt động chăm lo cho công nhân lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp và chế xuất. Tuy nhiên, do mức thu nhập của công nhân lao động còn chưa đáp ứng được các khoản chi tiêu trong cuộc sống, nên phần lớn đời sống của công nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hà Nội hiện có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động. Thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, từ ngày 1/1/2023 mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%. Điều này đã hỗ trợ, giảm bớt những khó khăn hơn cho người lao động.

Mặc dù vậy, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn Hà Nội năm 2023 chỉ bằng so với năm 2022. Riêng quý 1/2024, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7 triệu đồng/tháng.

“Với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao. Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Phạm Quang Thanh nhìn nhận.

Từ thực tế doanh nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh (Hà Nội) Nguyễn Minh Tuấn, cho rằng với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do thiếu đơn hàng sản xuất, buộc công nhân phải giảm giờ làm, không tăng ca, phải nghỉ việc luân phiên, thậm chí tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh cũng không nằm ngoài số đó.

“Từ đầu năm 2024, hàng loạt các khách hàng lớn giảm đơn hàng gây sụt giảm doanh thu và không có đủ công ăn, việc làm cho người lao động. Nếu tình trạng này kéo dài công ty có thể mất đi những lao động lành nghề, và rất khó thu hút để tuyển dụng lao động mới”, ông Tuấn lo ngại.

Để duy trì việc làm cho người lao động, đại diện đơn vị này cho biết doanh nghiệp sẽ tiếp tục chủ động trong việc tìm kiếm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động; tăng cường đào tạo nghề dự phòng nhằm giữ chân người lao động.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao gây ảnh hưởng đến đời sống người lao động vốn đã khó khăn. TP. Hà Nội có thể tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, cần tiếp tục thực hiện các chính sách Chính phủ đã ban hành như: Giảm thuế; tiếp tục cho vay vốn ưu đãi để phục hồi, phát triển kinh tế. Đặc biệt, cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ nới lỏng các cơ chế xuất nhập khẩu để có thêm các đơn hàng mới. Đây là động thái cốt lõi để người lao động có việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập.