Việc ưu tiên trước mắt là sớm có nguồn vaccine để tiêm cho người lao động
Theo các chuyên gia, ở gói hỗ trợ Covid-19 lần 2 này, cần cân nhắc vấn đề nguồn lực để có mức hỗ trợ cho phù hợp. Tuy nhiên, việc ưu tiên trước mắt là sớm có nguồn vaccine để tiêm cho người lao động…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến tiếp thu từ các bộ ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh…
Đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra cũng tác động mạnh đến doanh nghiệp, người lao động. Dự báo, một số ngành, lĩnh vực như: vận tải, hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa thể thao... sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng.
Trên cơ sở đánh giá tình hình tác động của dịch Covid-19, một số chính sách được đề xuất đang lấy ý kiến các bộ, ngành như: miễn tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng; tiếp tục cho doanh nghiệp tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp….
Từ kết quả triển khai gói hỗ trợ lần 1, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, lần này các chính sách sẽ tập trung vào các đối tượng cụ thể hơn. Chẳng hạn như chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất, với điều kiện là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021.
Mới đây, góp ý về đề xuất hỗ trợ này, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các doanh nghiệp hưởng chính sách lần này phải hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: vận tải, khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao, hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế bị cách ly, phong tỏa…
Trao đổi về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng có 2 vấn đề cần lưu ý ở gói hỗ trợ lần này, đó là nguồn lực có bao nhiêu và sự công bằng giữa các đối tượng bị ảnh hưởng, từ đó để cân nhắc có mức hỗ trợ cho phù hợp.
Mặc dù vậy, theo ông Huân, quan trọng hiện nay là sớm có nguồn vaccine để tiêm cho người dân cộng với thực hiện thông điệp 5K, khi đó hoạt động sản xuất, sinh hoạt mới trở lại bình thường. “Điều quan trọng nhất là sớm có vaccine tiêm cho những người lao động ở các khu công nghiệp để họ yên tâm sản xuất kinh doanh”, ông Huân nhấn mạnh.
Cho rằng đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là cần thiết, PGS.TS Dương Văn Sao, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh trong thời điểm này, việc ưu tiên và cấp bách hàng đầu là có nguồn vaccine để tiêm cho người lao động phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, cần quan tâm đến phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định tình hình kinh doanh, để giải quyết được việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế.