14:27 25/02/2025

Viêm màng não mô cầu mùa Đông – Xuân: Không thể chủ quan

Hoài Phương

Nhiễm vi khuẩn não mô cầu là căn bệnh "chạy đua với thời gian". Phát hiện sớm, điều trị nhanh và tiêm phòng đầy đủ là những yếu tố quan trọng nhất giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong...

Ảnh: Stuff
Ảnh: Stuff

Số ca mắc bệnh do vi khuẩn não mô cầu đang gia tăng đáng lo ngại trong mùa Đông – Xuân. Theo thống kê từ Bộ Y tế, số ca mắc viêm não mô cầu có xu hướng tăng lên vào thời điểm thời tiết lạnh, độ ẩm cao. Trong những tháng đầu năm, đặc biệt là từ tháng 11 đến tháng 3, tình trạng lây lan bệnh cao hơn do sự tập trung đông người, thường xảy ra trong các trường học, khu công nghiệp và các sự kiện xã hội.

Ngày 24/2, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm bệnh nguy hiểm. Cụ thể, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam (38 tuổi), từ tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng đờ đẫn, sốt cao, lạnh run, nhức đầu nhiều, sưng đau các khớp kèm nổi ban hoại tử tím ở đùi và 2 cẳng chân.

Dựa vào tình trạng và thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ nhanh chóng xác định người đàn ông mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn não mô cầu. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh liều cao đường tĩnh mạch kịp thời, thấm qua màng não tốt. Đến nay, người này đã hết sốt, tươi tỉnh và các ban hoại tử ở da đã nhạt màu dần.

Một phương pháp truyền miệng cho rằng nếu ấn một chiếc cốc thủy tinh vào da mà phát ban vẫn nhìn thấy được qua cốc thủy tinh, thì đó có thể là do vi khuẩn não mô cầu. Tuy nhiên, không phải ai bị viêm màng não cũng phát ban.
Một phương pháp truyền miệng cho rằng nếu ấn một chiếc cốc thủy tinh vào da mà phát ban vẫn nhìn thấy được qua cốc thủy tinh, thì đó có thể là do vi khuẩn não mô cầu. Tuy nhiên, không phải ai bị viêm màng não cũng phát ban.

Sau khi phát hiện trường hợp trên, bệnh viện đã nhanh chóng kết hợp với cơ quan phòng dịch, khu trú địa điểm nơi người đàn ông phát hiện bệnh, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của các cá nhân tiếp xúc gần và có các phương án phòng chống lây lan. Qua đó, phát hiện thêm 2 trường hợp có triệu chứng sốt (một ca có thêm viêm họng và một ca viêm phổi), nghi ngờ nhiễm viêm não mô cầu. Các trường hợp này cũng nhanh chóng được cho uống thuốc dự phòng và đưa vào viện điều trị bằng kháng sinh ngăn ngừa diễn tiến nặng. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lây qua đường hô hấp, có thể gây bệnh cảnh tại các cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường niệu và sinh dục. Thường gặp và nguy hiểm hơn cả là hai bệnh viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Trong đó, bệnh cảnh nhiễm trùng huyết tối cấp có thể gây tử vong nhanh chóng, thậm chí chỉ trong vòng vài giờ.

Bệnh nhiễm não mô cầu có thể gây thành dịch và được xem như một trong số ít những bệnh có khả năng gây tác động sâu sắc về mặt y tế, xã hội nếu lây lan ra cộng đồng. Bác sĩ Thọ phân tích, bệnh nhiễm não mô cầu hay xảy ra tại các tập thể đông đúc như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại… Bệnh thường gặp ở trẻ em 6 tháng tuổi đến 3 tuổi, hoặc thanh thiếu niên 14 - 20 tuổi. 

Nhiễm não mô cầu hay xảy ra tại các tập thể đông đúc như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại…
Nhiễm não mô cầu hay xảy ra tại các tập thể đông đúc như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại…

Trước đó, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 48 tuổi, mắc viêm màng não - nhiễm trùng huyết do não mô cầu thể cấp. Khi nhập viện, bệnh nhân có những ban xuất huyết hoại tử trên da, dịch não tủy màu vàng đục - dấu hiệu điển hình của viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu. Xét nghiệm khẳng định bệnh nhân nhiễm vi khuẩn não mô cầu type B - một trong những chủng nguy hiểm nhất.

Đầu tháng 2/2025, một bệnh nhân nam ở Bắc Ninh đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp. Đầu tháng 2, một trẻ em sinh năm 2018 tại Bắc Kạn cũng được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn não mô cầu và phải điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn ghi nhận 6 bệnh nhân nghi nhiễm vi khuẩn não mô cầu...

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, cho biết vi khuẩn não mô cầu cư trú ở vùng hầu họng và lây lan qua đường giọt bắn. Bệnh có thể tiến triển với nhiều mức độ. Nếu là thể đơn thuần, tương tự các viêm màng não khác, bệnh có thể khỏi sau khoảng 2 tuần điều trị. Với thể cấp và tối cấp, bệnh tiến triển cực kỳ nhanh, chỉ trong vài giờ với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê. Ban xuất huyết hoại tử trên da có thể báo hiệu tình trạng sốc nhiễm trùng và suy đa tạng, dẫn đến tử vong nhanh chóng.

"Viêm màng não do não mô cầu có tỷ lệ tử vong từ 10 - 20%. Với những thể bệnh nặng, bệnh nhân có thể tử vong chỉ trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời", PGS.TS. Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Cách phòng bệnh do não mô cầu hiệu quả nhất là tiêm vaccine.
Cách phòng bệnh do não mô cầu hiệu quả nhất là tiêm vaccine.

Bác sĩ Đoàn Thị Khánh Châm, Quản lý Y khoa Vùng 2 - miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, thông tin nguồn lây bệnh có thể từ người bệnh và người mang vi khuẩn ở vùng hầu họng nhưng không biểu hiện triệu chứng, tức người lành mang trùng. Tỷ lệ người lành mang trùng trong cộng đồng 5 - 25%, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cao hơn trong vụ dịch và là nguồn lây khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, vi khuẩn não mô cầu có thể tồn tại khi ra khỏi cơ thể trong vài giờ, có nghiên cứu cho thấy có thể tồn tại bề mặt nhựa, thủy tinh hoặc kim loại trong tối đa 72 giờ nên cũng có thể là nguồn lây bệnh.

Với tình trạng khó kiểm soát nguồn lây bệnh như trên, cách phòng bệnh do não mô cầu hiệu quả nhất là tiêm chủng vaccine. Hiện, Việt Nam có ba loại vaccine phòng ngừa đầy đủ 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu nguy cơ cao gây bệnh gồm vaccine nhóm B thế hệ mới (Bexsero) của Italy, nhóm BC (VA-Mengoc BC) của Cuba và nhóm A, C, Y, W135 (Menactra) của Mỹ, tiêm cho người từ 2 tháng đến 55 tuổi. Mỗi loại vaccine có công nghệ sản xuất, lịch tiêm và độ tuổi tiêm chủng khác nhau. 

Viêm màng não mô cầu từng được WHO xếp vào nhóm bệnh nguy hiểm hàng đầu. Mỗi năm thế giới có đến hơn 2,5 triệu ca nhiễm, trong đó có khoảng 240.000 ca tử vong. Trung bình, cứ 6 người mắc não mô cầu thì sẽ có một người không qua khỏi. Theo báo cáo Gánh nặng kinh tế – Chi phí bệnh tật ở Đức, trung bình mỗi ca bệnh mất từ 57.000 euro (hơn 1 tỷ đồng) đến 171.000 euro (hơn 4,5 tỷ đồng). Ở Anh, chi phí chăm sóc bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu chiếm 83% tổng chi tiêu của cả gia đình.

Vì vậy, việc giám sát biểu hiện sớm và can thiệp y tế kịp thời là yếu tố sống còn trong điều trị. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng vắc xin phòng não mô cầu để nâng cao sức đề kháng cá nhân và cộng đồng, đồng thời khuyến cáo duy trì thói quen sống lành mạnh, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập trong môi trường đông người khi có nguy cơ lây nhiễm.