11:55 19/02/2025

Nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm: Cảnh giác nhưng đừng hoang mang

Hoài Phương

Cùng với thuốc điều trị, các loại thuốc tăng cường miễn dịch, thuốc bổ, vitamin… đang được nhiều người dân tìm mua và sử dụng với mong muốn nâng cao sức đề kháng, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 17/2/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cho biết số ca mắc tay chân miệng trong tuần qua tăng mạnh, với 32 trường hợp được ghi nhận, tăng 22 ca so với tuần trước, tập trung tại Sóc Sơn, Hà Đông và Nam Từ Liêm. Từ đầu năm đến nay, Thủ đô phát hiện 96 ca tay chân miệng, tăng gần 30 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Bệnh sởi cũng có xu hướng gia tăng, với 114 trường hợp được ghi nhận trong tuần qua, tương đương tuần trước, chủ yếu ở nhóm chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều. Tính từ đầu năm 2025, Hà Nội phát hiện 441 ca sởi, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có trường hợp nào. CDC dự báo số ca sởi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, cúm mùa đang lan rộng và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, với hàng chục ca bệnh được ghi nhận mỗi ngày tại các bệnh viện Bạch Mai, Nhi Trung ương, Lão khoa, Bệnh viện 108, Bệnh viện E... Bác sĩ Đinh Thị Bích Thục (Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E), cho biết từ sau Tết Nguyên đá, số ca mắc cúm đến khám và điều trị có xu hướng gia tăng. Cao điểm có ngày gần 40 người bệnh thì hơn 50% người bệnh mắc cúm.

Mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường,  là nguyên nhân và điều kiện cho sự xuất hiện, lây lan bệnh truyền nhiễm.
Mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường,  là nguyên nhân và điều kiện cho sự xuất hiện, lây lan bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, Hà Nội ghi nhận 3 ca ho gà và 3 ca Covid-19 từ đầu năm đến nay. Riêng sốt xuất huyết có xu hướng giảm, với số ca mắc giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia nhận định số ca Covid trong cộng đồng có thể nhiều hơn thống kê do người mắc không xét nghiệm.

Trong bối cảnh này, CDC đang phối hợp với các đơn vị y tế để giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, tổ chức điều tra, khoanh vùng và xử lý dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan. Chiến dịch tiêm chủng cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là vaccine sởi, với việc triển khai tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Tuần tới, CDC sẽ giám sát công tác tiêm chủng tại các quận, huyện. Người dân được khuyến cáo chủ động phòng dịch, tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ sức khỏe cá nhân cũng như cộng đồng.

Tương tự, tại hội nghị Báo cáo viên do Ban Tuyên giáo và Dân vận tổ chức, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng rất cao từ đầu năm tại Thành phố. Điều đáng lo ngại là những ngày gần đây, TP.HCM đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa với lượng rất lớn. Mưa trái mùa xuất hiện sớm, muỗi sẽ xuất hiện nhiều hơn. Các chuyên gia y tế dự đoán số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam năm nay sẽ tăng so với những năm trước.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 3/2 đến ngày 9/2/2025 (tuần 6), TP.HCM ghi nhận 475 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, quận 7 và TP. Thủ Đức.

Theo chu kỳ lập đỉnh 4 - 5 năm một lần của sốt xuất huyết, năm nay có khả năng số ca sẽ tăng mạnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo chu kỳ lập đỉnh 4 - 5 năm một lần của sốt xuất huyết, năm nay có khả năng số ca sẽ tăng mạnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Trong tuần 6, TP.HCM cũng ghi nhận 361 ca sởi. Các quận, huyện có số ca mắc cao là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP. Thủ Đức. Về bệnh cúm, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm TP.HCM ghi nhận hiện có 20 trường hợp cúm đang điều trị nội trú tại các bệnh viện. Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm.

Bộ Y tế khuyến cáo mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường, nhu cầu giao thương, đi lại, du lịch tăng cao, là nguyên nhân và điều kiện cho sự xuất hiện, lây lan bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, người dân cần thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn) để phòng bệnh. Cảnh giác, nhưng người dân cần bình tĩnh, không hoang mang. Điều quan trọng nhất là hiểu rõ về triệu chứng, cách phòng tránh và bảo vệ sức khỏe hợp lý.

Thực tế cho thấy, do tiếp nhận liên tiếp các thông tin dịch bệnh, không ít người dân vội vàng tìm cách nâng cao sức đề kháng với mong muốn tự bảo vệ sức khỏe. Trên thị trường, các sản phẩm thuốc bổ, thuốc tăng cường miễn dịch cũng được quảng cáo rầm rộ, đa dạng về nguồn gốc xuất xứ, thành phần và giá cả khiến người tiêu dùng không biết loại nào giúp tăng cường hệ miễn dịch một cách hiệu quả nhất.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, GVCC Khoa Dược lý – Dược lâm sàng, Trường Đại học Dược Hà Nội, hệ miễn dịch có vai trò giúp con người chống lại những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tăng cường miễn dịch là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh, nhất là các bệnh hô hấp.

“Tuy nhiên, miễn dịch đặc hiệu này chỉ có thể có được qua việc tiêm vaccine chứ không thể có được qua các thuốc tăng cường miễn dịch nói chung. Với mục tiêu phòng ngừa nhiễm bệnh cũng như giảm thiểu tác động của bệnh truyền nhiễm thì chúng ta nên tiêm phòng đầy đủ để có được hệ miễn dịch đặc hiệu”, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.

Miễn dịch đặc hiệu này chỉ có thể có được qua việc tiêm vaccine chứ không thể có được qua các thuốc tăng cường miễn dịch nói chung.
Miễn dịch đặc hiệu này chỉ có thể có được qua việc tiêm vaccine chứ không thể có được qua các thuốc tăng cường miễn dịch nói chung.

Theo bác sỹ, các loại thuốc bổ, thuốc tăng sức đề kháng, bản chất là tác động vào hệ miễn dịch tự nhiên, giúp cơ thể chống đỡ với tác nhân gây bệnh tốt hơn. Để tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể thì không chỉ dùng thuốc mà cần kết hợp nhiều biện pháp khác như chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường rèn luyện thể lực, ngủ đủ 8 tiếng/ngày, giữ cho tinh thần thoải mái, hạn chế stress, căng thẳng…

Trước thực trạng nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán các loại thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch, các bác sỹ cho biết người dân không nên thần thánh hóa loại thuốc này rồi cố tìm mua cho bằng được. Nếu mua qua mạng xã hội thì nguy cơ lớn nhất là mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có thể gặp trường hợp thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Khi đó người sử dụng không chỉ lãng phí tiền bạc mà còn có thể gặp những tác dụng không mong muốn, thậm chí bị ngộ độc.

GS.TS. Nguyễn Công Khẩn, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết vitamin trong thức ăn hay trong viên tổng hợp đều rất tốt. Tuy nhiên, không phải cái gì tốt cũng cần phải bổ sung nhiều, thậm chí lạm dụng dẫn đến "rước họa vào thân".

Vitamin gồm có hai nhóm, nhóm tan trong dầu, gồm vitamin A, D, E, K và nhóm tan trong nước gồm B, C. Trong đó, nhóm vitamin tan trong dầu không thể đào thải qua thận mà lượng thừa đều được dự trữ trong mô mỡ của gan, nếu dùng quá liều sẽ tích tụ trong cơ thể và gây hại đến sức khỏe. Ngoài ra, vitamin vẫn là thuốc, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và chỉ uống khi thực sự cần thiết.