Cẩn trọng với phương pháp “chữa cúm” lan truyền trên mạng xã hội
Thời gian gần đây, tại Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ghi nhận nhiều người mắc cúm bị diễn biến nặng. Dù được điều trị bằng thuốc kháng virus và kiểm soát bệnh nền, một số bệnh nhân vẫn phải thở máy...

Triệu chứng bệnh cúm thường xuất hiện đột ngột, bao gồm sốt, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, đau đầu. Đối với người khỏe mạnh, các triệu chứng này thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở những người có bệnh nền hoặc sức đề kháng suy giảm, cúm có thể gây viêm phổi bội nhiễm, suy hô hấp, suy đa tạng,… do đó cần đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
Trên mạng xã hội những ngày này có nhiều thông tin lan truyền về các bí quyết phòng hoặc điều trị cúm mùa. Đáng lưu ý, rất nhiều thông tin dạng này chưa được kiểm chứng nhưng lại được người dân chia sẻ nhanh chóng trên diện rộng. Chẳng hạn, nhiều người truyền nhau phương pháp trồng hành tây để "hút" virus cúm và diệt khuẩn, làm sạch không khí. Một số người đã mua hành tây về, bóc vỏ, cắt đầu củ và đặt trong cốc nước với hy vọng "diệt trừ vi khuẩn" cho không gian sống.
Các bác sĩ nhận định việc này là phản khoa học. Theo Đông y, hành tây chứa các hợp chất như acid malic, phytin, alylsunfit, tinh dầu, tác dụng diệt khuẩn, sát trùng, lợi tiểu và hỗ trợ điều trị một số bệnh như cảm, sốt, nhức đầu. Ăn hành tây trong bữa ăn có thể hỗ trợ tăng đề kháng, còn việc trồng củ hành tây cho mọc rễ, mọc lá trong nhà thì không thể tiêu diệt virus cúm.

Virus cúm lây lan chủ yếu qua các giọt bắn từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Các giọt bắn này có thể phát tán trong bán kính 1 - 2 m và tồn tại trên bề mặt đồ vật. "Việc trồng hành tây trong nhà không có tác dụng trong việc ngăn ngừa cúm. Người dân tuyệt đối không nên nhẹ dạ cả tin vào những phương pháp không có căn cứ khoa học", bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết.
Bên cạnh đó, người dùng mạng xã hội cũng lan truyền các video về phương pháp chữa bệnh bằng hỗn hợp hành tây sống cắt nhỏ, đun sôi hoặc ngâm trong nước. Họ cho rằng thứ "nước thần" này có thể chữa ba bệnh truyền nhiễm là cúm, Covid-19 và virus hợp bào hô hấp (RSV). Theo các chuyên gia, hành tây sử dụng với số lượng hợp lý không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, các video như vậy thúc đẩy niềm tin mù quáng vào hình thức chữa bệnh tại nhà, có thể gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Bà Katrine Wallace, giáo sư trợ lý, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Illinois Chicago, cho biết bên dưới các đoạn video trên TikTok tràn ngập các bình luận cho rằng phương pháp này "cực kỳ hiệu quả". Đây thực tế là "hiệu ứng giả dược" - hiện tượng người bệnh cảm thấy như khỏe hơn sau khi sử dụng một loại thuốc nào đó mà họ tin tưởng. “Thuật toán của Tiktok, vốn nhắm đến sự tương tác, là điều kiện lý tưởng để quảng bá phương pháp đơn giản cho một vấn đề phức tạp, đặc biệt khi chúng rẻ tiền, dễ thực hiện", bà Wallace nhận định.

Tương tự, những ngày gần đây cũng có thông tin cho rằng dùng máy sấy thổi hơi ấm dọc sống lưng, mũi, cổ họng giúp hỗ trợ hô hấp, chữa cúm… Các chuyên gia khẳng định điều này thiếu cơ sở khoa học và tiềm ẩn nguy hiểm. Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, cho biết, máy sấy tóc chỉ có tác dụng làm ấm cơ thể sau khi tắm hoặc đi ngoài trời lạnh. Các bệnh như cúm, viêm phổi hay viêm phế quản do vi khuẩn gây ra, không liên quan đến việc làm ấm bằng máy sấy. Thậm chí, việc sử dụng máy sấy không đúng cách có thể gây bỏng, khô da hoặc tai nạn điện giật, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Cũng thông tin về các phương pháp điều trị cúm hiện nay, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nhiều phụ huynh lầm tưởng dùng kháng sinh giúp bệnh nhanh khỏi. Thực tế, kháng sinh không có tác dụng diệt virus - nguyên nhân gây cúm. "Lạm dụng kháng sinh trị cúm vừa tốn kém, vừa có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí kháng kháng sinh", bác sĩ cho biết.
Ngoài ra, người bệnh cúm B thường diễn biến nhẹ, còn cúm A có thể gây biến chứng ở những nhóm đặc biệt như trẻ dưới hai tuổi, người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh về gan, thận... Người suy giảm miễn dịch như HIV, ghép tạng phải uống thuốc chống thải ghép, bệnh khớp uống thuốc chống viêm... cũng trong nhóm nguy cơ. Tùy từng trường hợp, từng giai đoạn, bác sĩ có chỉ định riêng.

Cùng với đó, theo các bác sỹ, việc tự ý dùng paracetamol để giảm đau, hạ sốt mà không tuân thủ chỉ dẫn của bác sỹ có khả năng gây ngộ độc. Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, nên khi được phát hiện, đã gây tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp... Trên thực tế, các bác sĩ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1 - 1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2 - 3 viên loại hàm lượng 500 mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.
Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không dùng các bài thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa cúm, dẫn đến biến chứng. Lương Y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khuyên người dân có thể sử dụng lá bưởi, kinh giới, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu... để xông hơi giải cảm. Nấu cháo cùng tía tô, hành, bí đỏ, đậu xanh... vừa dễ ăn, thơm, ngon, nhiều dinh dưỡng, vừa có tác dụng giải cảm, phù hợp người ho, sốt, mệt mỏi.
Cũng có thể dùng nồi nấu lá có tinh dầu hay các loại tinh dầu nấu sôi, trùm lên mặt để xông mũi, thời gian xông khoảng 15 – 20 phút. Các loại lá có tinh dầu có thể chọn lựa: lá lốt, lá trầu, lá trà, lá ngũ sắc, lá bạch đàn, tỏi, sả, bồ kết, gừng, lá bưởi... Tinh dầu có thể chọn tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu bạc hà, tinh dầu xả… Lấy 10g hương nhu sắc cùng 200ml nước, dùng súc miệng 2 lần trong ngày vào sáng sớm và trước khi đi ngủ; hoặc rửa mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý hằng ngày.

Các bác sĩ khuyên người dân không nên đóng kín cửa, trùm chăn để toát mồ hôi dẫn đến mất nước và kiệt sức, suy giảm đề kháng, khiến bệnh trầm trọng hơn. Người bị ốm cần giữ sức khỏe trong vài ngày đầu, hạn chế ra ngoài để cơ thể bình phục hoàn toàn, vận động hợp lý, bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng và vitamin...
Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức khỏe.