Việt Nam chưa cấp phép cho lao động sang Hàn Quốc làm việc trong ngành dịch vụ
Từ tháng 4/2024, Hàn Quốc dự kiến triển khai thí điểm tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc trong một số ngành, nghề dịch vụ theo thị thực E-9. Còn ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa cấp phép cho lao động sang Hàn Quốc trong nhóm ngành này...
Ngày 26/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã thông tin về chính sách tiếp nhận lao động trong ngành dịch vụ thị thực E-9 của Hàn Quốc.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết theo thông tin từ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, và báo cáo của Ban Quản lý lao động tại Hàn Quốc, từ năm 2024, Hàn Quốc mở rộng việc thí điểm tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc trong một số ngành, nghề dịch vụ theo thị thực E-9.
Các ngành nghề thí điểm bao gồm, dọn dẹp vệ sinh trong khách sạn, căn hộ cho thuê, phụ bếp trong nhà hàng. Việc tuyển dụng và tiếp nhận lao động các ngành, nghề này được thực hiện theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).
Chương trình tiếp nhận lao động này dự kiến được triển khai từ tháng 4 năm 2024, và sẽ được thí điểm thực hiện tại một số địa phương, gồm Seoul, Busan, Kangwon và Jeju.
Tại Việt Nam, theo Bản ghi nhớ ký giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Bộ) là đơn vị duy nhất được giao đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được phản ánh về việc một số công ty môi giới Hàn Quốc, mời chào các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam ký kết hợp đồng, tuyển dụng người lao động để đưa đi làm việc trong các ngành, nghề dịch vụ tại Hàn Quốc theo thị thực E-9-5 không đúng quy định, kể cả về điều kiện tuyển dụng và thủ tục tiếp nhận lao động nước ngoài của Hàn Quốc.
Cùng ngày, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng gửi thông báo đến các doanh nghiệp dịch vụ biết, và đề nghị các doanh nghiệp không ký hợp đồng, tuyển chọn, tư vấn đưa người lao động đi làm việc trong các ngành, nghề dịch vụ theo thị thực E-9-5 tại Hàn Quốc.
Hiện nay, Hàn Quốc mới chỉ đang tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, đóng tàu. Việt Nam chưa phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc trong nhóm ngành dịch vụ.
Vì thế, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo doanh nghiệp, người lao động cảnh giác trước các thông tin sai sự thật. Người lao động có nhu cầu tham gia Chương trình EPS đi làm việc tại Hàn Quốc cần tìm hiểu kỹ thông tin, quy trình, chi phí tại các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương…
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Những năm gần đây, số lượng lao động đưa sang thị trường này đã vượt con số 10.000 người.
Riêng năm 2023, Việt Nam đã đưa được hơn 11.000 người sang nước này làm việc. Đây cũng là thị trường được lao động Việt Nam ưa thích, do có điều kiện tốt và thu nhập cao.
Riêng với Chương trình EPS, trong năm nay, phía Hàn Quốc dự kiến tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc ở các ngành nghề gồm: Sản xuất chế tạo; xây dựng; nông nghiệp và ngư nghiệp.
Dự kiến số lượng tuyển chọn trong năm 2024 là 15.374 người, trong đó ngành sản xuất chế tạo là 11.246 người; ngành xây dựng 200 người; ngành nông nghiệp 895 người; ngành ngư nghiệp 3.033 người.
Trước đó, hồi cuối năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam đã ký Thỏa thuận hành chính với Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc để triển khai Hiệp định giữa hai nước về bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2024.
Đây là Hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này, và cũng là Hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác.
Với việc Hiệp định và Thoả thuận hành chính sẽ cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hai nước khi di chuyển đến làm việc trên lãnh thổ của mỗi bên, bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động của hai nước.
Dự kiến, khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua trong năm nay, người lao động hai nước chỉ phải đóng bảo hiểm ở một nơi để hưởng đầy đủ quyền lợi, tránh được việc đóng song trùng bảo hiểm.