Việt Nam đã có 3.000 ha cây đàn hương, kỳ vọng mỗi cây sẽ đem lại hàng nghìn USD
Đến thời điểm này đã có gần 3.000 ha cây đàn hương được trồng tại 45 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đàn hương là loài cây trồng cho giá trị kinh tế rất cao: vừa là cây gỗ, vừa là cây dược liệu, cung cấp nguyên liệu phục vụ ngành mỹ phẩm cao cấp…
Cuối tuần qua tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ra mắt thương hiệu Tập đoàn Đàn hương Việt Nam và tọa đàm phát triển hệ sinh thái xanh bền vững từ cây đàn hương.
TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm, cho biết trong thời gian học để lấy bằng tiến sĩ tại Ấn Độ vào cách đây gần 20 năm, khi đến thăm các vườn đàn hương của các đại gia Ấn Độ, vô cùng ngạc nhiên, bởi cây thì được sống trong lồng bê tông cốt thép, cây thì được quấn thép gai xung quanh. Hỏi ra mới biết đây là loại cây quý nhất thế giới, 1kg lõi gỗ đàn hương có giá 350 USD. Rễ cây đàn hương có chứa rất nhiều tinh dầu, loại tinh dầu đa năng được ví như “giọt vàng”, có giá khoảng 4.500 USD/kg.
CÂY ĐÀN HƯƠNG BÉN RỄ VỮNG CHẮC TRÊN ĐẤT VIỆT
TS. Thoại đã đưa cây đàn hương từ Karnataka (Ấn Độ) về Việt Nam nghiên cứu thuần hóa và nhân giống, trải qua nhiều năm ròng rã, đã thành công với phương pháp kích thích hạt cây đàn hương nảy mầm tự nhiên, tạo ra giống cây đạt tiêu chuẩn hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ tại Việt Nam.
Đến nay, cây đàn hương đã được trồng thành công tại 45 tỉnh, thành phố. Cây đàn hương chịu được khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt ở những nơi khô hạn. “Chúng tôi đã trồng tại Tây Nguyên, vào mùa khô để 68 ngày không tưới một giọt nước nào mà cây vẫn không chết. Cứ ban ngày thì lá héo, đêm đến gần sáng có sương là lá lại tươi”, TS Thoại chia sẻ.
Cũng theo TS Thoại, nên trồng cây đàn hương xen với những cây trồng khác sẽ cho hiệu quả cao. Trồng xen cây đàn hương vừa không tốn đất, vừa tiện chăm sóc, đàn hương vẫn phát triển tốt, vừa góp phần bổ sung cho phân khúc rừng trồng, rừng đặc dụng, trồng rừng để bảo tồn và giúp bảo vệ môi trường.
Trò chuyện tại tọa đàm, TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết: “Tôi đã trồng đàn hương đến nay được 5 năm, đã chế biến lá thành trà đàn hương từ năm thứ ba. Tôi không để cho ra trái, vì anh Thoại nói với tôi rằng nếu để ra trái thì sẽ yếu cây. Cho nên tôi đã cắt bỏ hoa, nhờ đó vườn cây đàn hương rất khỏe mạnh và cây lớn nhanh.
TS Nhưỡng cho rằng hiện nay đàn hương là cây ngoại lai, vì chúng ta nhập khẩu từ Ấn Độ. Nhưng thực tế, cây đàn hương đã có mặt tại Việt Nam từ thời Hùng Vương. “Cây chiên đàn cổ đã tồn tại trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, trở thành một trong những cây đã hóa thần và được ghi vào trong lịch sử. Khi đưa đàn hương về Việt Nam trồng, cho thấy sức sống của cây đàn hương ở Việt Nam rất mạnh mẽ, tốt hơn so với cả Ấn Độ”, TS Nhưỡng khẳng định.
"Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua, và đang thực hiện rất tốt. Cây đàn hương không chỉ bổ sung cho phân khúc trồng rừng sản xuất, mà còn bổ sung cho phân khúc bảo tồn đặc biệt rừng tập trung; không chỉ là trồng rừng để lấy gỗ, mà còn trồng rừng để bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tâm linh".
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội.
Theo TS. Nhưỡng, các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng cây đàn hương xanh lá quanh năm, cho lượng ôxy cao gấp hơn 6 lần cây khác, bảo vệ môi trường, chịu hạn tốt, chỉ cần một lần bón phân hữu cơ dưới hố khi trồng; cây kỵ các loại chất hóa học. Do đó, đây là loại cây “át chủ bài” để hấp thu khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu đưa giảm phát thải về 0 vào năm 2050.
“Vì vậy, bây giờ tôi có thói quen là hay trồng tặng cây đàn hương cho các bệnh viện, các ngôi chùa. Tôi dự kiến sẽ phát động các doanh nghiệp mua giống đàn hương để tặng cho các nhà trường, các chùa và các trại dưỡng lão”, TS. Nhưỡng chia sẻ.
Theo ông Trương Thất Đôn, Chuyên viên Cục Lâm nghiệp Việt Nam, cây đàn hương là cây rừng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là cây cây lâm nghiệp mới tại Quyết định số 1305/QĐ-BNN-TCLN ban hành năm 2019 với giống do Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm nhập nội và sản xuất.
Theo ông Đôn, cây đàn hương có tác dụng bảo vệ môi trường và có giá trị dược liệu là chính. Đây là cây thân gỗ cao 10-15m, với đặc tính sinh học quan trọng nhất là có rễ cái ký sinh trên cây chủ, rễ con bám chặt vào rễ cái cây chủ bằng các giác mút, hút dinh dưỡng từ cây ký chủ để sinh trưởng và phát triển nên còn gọi đàn hương là cây gỗ bán ký sinh. Người dân đang có vườn cây ăn quả các loại như cam, bưởi, vải, mít, mắc ca, sầu riêng… có thể trồng xen cây đàn hương để có nguồn thu từ cả hai loại cây trồng.
Tuy vậy, hiện một số cá nhân, đơn vị tự ươm và nhập giống cây đàn hương, trong đó có nhập từ Trung Quốc về để bán, dẫn đến cây sinh trưởng không đảm bảo. Do đó, ông Đôn khuyến cáo nông dân cần chọn mua giống đàn hương là giống phải qua khảo nghiệm và được Nhà nước quản lý. Nông dân nên liên kết với doanh nghiệp bao tiêu để trồng, ký cam kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tránh trường hợp trồng ồ ạt nhưng không biết bán sản phẩm cho ai.
RA MẮT THƯƠNG HIỆU TẬP ĐOÀN ĐÀN HƯƠNG VIỆT NAM
Sau hành trình hơn 10 năm nghiên cứu và đưa cây đàn hương trồng và phát triển tại Việt Nam, Tập đoàn Đàn hương Việt Nam ra đời hướng tới trở thành Tập đoàn số 1 tại Việt Nam phát triển hệ sinh thái xanh bền vững từ cây đàn hương dựa trên sự gắn kết của sức mạnh tri thức và sức mạnh đoàn kết tập thể.
Theo ông Vũ Văn Hà, Tổng giám đốc Tập đoàn Đàn hương Việt Nam, Tập đoàn Đàn hương Việt Nam hiện nay có 5 công ty con và một Viện nghiên cứu trực thuộc. Đến thời điểm này, các đơn vị thành viên đã đầu tư trực tiếp trồng được hơn 300 ha cây đàn hương tại Việt Nam và đã liên kết trồng được hơn 500 ha; ký hợp đồng bao tiêu đầu ra được 156 hợp đồng với diện tích khoảng 2.500 ha với người trồng.
Đàn hương có nhiều giá trị sử dụng, lõi gỗ được dùng để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hàng nội thất cao cấp; sản xuất mỹ phẩm dưỡng da. Rễ cây được nghiền ra lấy bột sử dụng nhiều trong công nghệ làm đẹp, sản xuất mỹ phẩm cao cấp, dưỡng da tự nhiên. Giác gỗ và cành nhỏ được nghiền lấy bột sử dụng trong ngành mỹ phẩm, làm đẹp. Lá cây được chế biến thành trà, nước uống cao cấp. Quả và hạt được dùng để ăn, chiết xuất tinh dầu…
Tính toán cho thấy, sau 12 năm trồng, mỗi cây cho khoảng 20-25kg lõi gỗ, giá bán khoảng 100 USD/kg. Như vậy mỗi cây gỗ đàn hương sẽ có giá trị phần gỗ khoảng 2.000-3.000 USD.
Về chiến lược trong thời gian tới, Tổng giám đốc Tập đoàn Đàn hương Việt Nam cho hay, tập đoàn sẽ tiếp tục hợp tác và ký hợp đồng bao tiêu với người trồng đàn hương, xây dựng các nhà máy chế biến sâu sản phẩm từ đàn hương để xuất khẩu. Mặt khác, sẽ xây dựng các khu nghỉ dưỡng tại nơi trồng đàn hương, góp phần chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và hướng tới xây dựng thương hiệu về loại cây gỗ quý này.