Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao
Trong buổi làm việc với 21 đại diện đến từ các trường đại học của Mỹ, Thủ tướng đề nghị các trường đại học của hai nước phối hợp chặt chẽ trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ mới nổi...

Sáng 31/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu 21 trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ trong khuôn khổ Chương trình trao đổi học thuật quốc tế (IAPP) 2025 tại Việt Nam. Tại đây, Thủ tướng đề nghị các cơ sở giáo dục hai nước đẩy mạnh hợp tác thông qua các dự án cụ thể, mang tính dài hạn và bền vững, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ mới nổi.
Buổi làm việc có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper cùng lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện các trường đại học Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác hàng đầu của nhau. Đặc biệt, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là những lĩnh vực hợp tác quan trọng, góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào năm 2023.
THÚC ĐẨY HỢP TÁC VỀ CÔNG NGHỆ CAO, BÁN DẪN
Hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ và Việt Nam cũng là quốc gia có số lượng du học sinh lớn thứ 5 tại Mỹ. Ngoài ra, khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học hai nước đã được triển khai, chủ yếu ở bậc đại học và thạc sĩ. Sau tốt nghiệp, nhiều sinh viên đã có những đóng góp quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp của cả hai nước.
Thủ tướng đề nghị các trường đại học Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục xây dựng các kế hoạch hợp tác dài hạn, với trọng tâm là các ngành công nghệ mũi nhọn như khai thác không gian biển, không gian vũ trụ, không gian ngầm, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, y tế, nông nghiệp và ngoại ngữ. Ông cũng kêu gọi Hoa Kỳ mở rộng các chương trình học bổng và chính sách ưu đãi học phí cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam.
Bối cảnh hiện nay cho thấy nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Intel, NVIDIA, Apple, Marvell…đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Do đó, Thủ tướng mong muốn các trường đại học hai nước phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn và thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh giáo dục, Việt Nam cũng đang tích cực tìm giải pháp cân bằng thương mại với Hoa Kỳ, thúc đẩy hợp tác kinh tế bền vững, bao gồm việc giảm thuế cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Mỹ như gỗ, nông sản, máy bay, khí hóa lỏng (LNG) và các mặt hàng công nghệ cao.
Thủ tướng mong muốn các trường đại học Hoa Kỳ có tiếng nói với chính quyền Tổng thống Trump để sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao và tránh những chính sách ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại song phương. Điều này không chỉ giúp Việt Nam tiếp tục phát triển mà còn tạo điều kiện để hai nước mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực chiến lược.
HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU CÓ 50.000 KỸ SƯ TRÌNH ĐỘ CAO
Chính phủ Việt Nam đang đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với nhiều chương trình đào tạo nguồn nhân lực quy mô lớn. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, với mục tiêu ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên sẽ được đào tạo, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường công nghệ cao.
Trong đó, 42.000 kỹ sư, cử nhân chuyên ngành bán dẫn; 15.000 nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch; 35.000 nhân lực phục vụ sản xuất, đóng gói, kiểm thử; và 5.000 chuyên gia AI ứng dụng trong công nghiệp bán dẫn.
Để hiện thực hóa chương trình này, thời gian qua, hàng loạt thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước và các trường đại học.
Tiêu biểu có hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) với loạt đối tác công nghệ hàng đầu thế giới như Cadence, Siemens, Intel, Coherent, Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) và Đại học Dương Minh Giao Thông (Đài Loan, Trung Quốc) nhằm thành lập các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo thiết kế vi mạch bán dẫn. Đồng thời, NIC đang phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để triển khai chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặt nền móng vững chắc cho ngành bán dẫn Việt Nam.
Trong một dấu mốc quan trọng khác, Đại học Bách khoa TP.HCM đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Marvell (Hoa Kỳ), trở thành đối tác học thuật của tập đoàn. Theo TS. Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, mối quan hệ hợp tác này mang tầm nhìn dài hạn, tập trung vào đào tạo kỹ sư có chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn.

Marvell cam kết tài trợ phòng thí nghiệm chuyên sâu cho Khoa Điện - Điện tử tại cơ sở TP Dĩ An (Bình Dương), trang bị các công nghệ tiên tiến phục vụ nghiên cứu thiết kế vi mạch truyền thông tốc độ cao, cơ sở dữ liệu đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Hai bên cũng sẽ triển khai môn học “Kỹ thuật truyền thông tiên tiến cho cơ sở hạ tầng AI,” với chương trình giảng dạy kết hợp lý thuyết và thực hành, dự kiến đưa vào vận hành từ tháng 9/2025.