20:09 27/04/2014

Việt Nam lọt top 25 nước mạnh nhất thế giới về quân sự

An Huy

Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Indonesia đứng trên Việt Nam trong bảng xếp hạng này

Vị trí của Việt Nam trong xếp hạng sức mạnh quân sự của Global Firepower.<br>
Vị trí của Việt Nam trong xếp hạng sức mạnh quân sự của Global Firepower.<br>
Website chuyên về xếp hạng Global Firepower mới đây đã công bố xếp hạng các quốc gia trên thế giới về sức mạnh quân sự. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 23 trong tổng số 106 nước và vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Xếp hạng này dựa trên hơn 50 yếu tố khác nhau, bao gồm các nhóm yếu tố về nhân lực, hệ thống chiến đấu mặt đất, trên không, và trên biển, hậu cần, tài nguyên, tài chính, và nhóm các yếu tố địa lý.

Dựa trên các yếu tố này, Global Firepower tính toán chỉ số sức mạnh (PwrIndx) của mỗi quốc gia, với điểm số lý tưởng là 0,0000. Dẫn đầu xếp hạng là nước Mỹ, với chỉ số sức mạnh 0,2208, tiếp theo là Nga với điểm số 0,2355.

Trong top 10 còn có Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, và Nhật Bản, với điểm số dao động từ 0,2594 đến 0,5581.

Đứng ở vị trí thứ 23, Việt Nam có điểm số 0,8692. Với vị trí này, Việt Nam đứng sau Iran và trước Thái Lan. Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Indonesia đứng trên Việt Nam trong bảng xếp hạng này, ở vị trí thứ 19. Philippines ở vị trí thứ 37, Malaysia số 38, Singapore chiếm thứ vị trí 44, Campuchia số 84, và Lào số 102.

Theo số liệu mà Global Firepower đưa ra, Việt Nam có số dân phù hợp để phục vụ trong quân đội là gần 42 triệu người trong tổng số hơn 92 triệu dân. Về hệ thống chiến đấu trên mặt đất, Việt Nam có 3.200 xe tăng, 2.100 xe chiến đấu bọc thép, 520 súng tự hành, 2.200 hệ thống pháo kéo, và 1.300 hệ thống phóng tên lửa hàng loạt. Ngoài ra, Việt Nam có 413 chiến đấu cơ và 65 tàu chiến.

Nói về sức mạnh tài chính, báo cáo đưa ra số liệu cho thấy, Việt Nam có ngân sách quốc phòng 3,365 tỷ USD, nợ nước ngoài 63,95 tỷ USD, dự trữ ngoại hối hơn 26 tỷ USD…

Theo lý giải của Global Firepower, bảng xếp hạng này không tính đến năng lực hạt nhân của các quốc gia nhằm tạo ra một sự so sánh hợp lý hơn giữa các quốc gia lớn và nhỏ.