Việt Nam mới chỉ có 200 công trình xanh
Qua hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình…
Theo thông tin từ ông Vũ Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, tại sự kiện “Tương lai của ngành bất động sản Việt Nam”, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng.
Năm 2020, trên cả nước có 743 dự án nhà ở thương mại, với khoảng trên 232.000 căn hộ được cấp phép, trong đó có 288 dự án với trên 57.000 căn hộ hoàn thành.
Về nhà ở xã hội, đã hoàn thành 256 dự án thuộc khu vực đô thị, quy mô xây dựng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng 219.000 căn, với tổng diện tích khoảng gần 11 triệu m2. Diện tích nhà ở bình quân năm 2020 là 25m2/người.
Về phát triển công trình xanh, qua hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Thực tế đòi hỏi việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh đã và đang là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường 9% với nỗ lực trọng nước và có thể đạt 27% với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế thông qua đóng góp do quốc gia tự quyết định. Tại Hội nghị COP26 cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Các cam kết đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách như: Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh với quan điểm tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030…
Để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã có nhiều hoạt động hơp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế như Chính phủ Đan Mạch, UNDP, IFC-WB, GIZ, Đại sứ quán Vương quốc Anh…
Từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã hợp tác với IFC-WB để soát xét, ban hành QCVN 09:2013/BXD và từ năm 2015 đã hợp tác để phát triển công cụ đánh giá, chứng nhận công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và năng lượng theo chứng chỉ EDGE.
Các cơ quan quản lý đang khuyến khích các công ty đánh giá chặt chẽ hơn các tác động môi trường của doanh nghiệp. Công trình xanh đang được xem là giải pháp cho các nhà đầu tư mở rộng không gian và tăng hiệu quả sử dụng đất.
Nhận định về các yếu tố sẽ định hình tương lai ngành bất động sản, ông Paul Fisher, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cho biết các yếu tố đó là: tích hợp đầy đủ công nghệ trên tất cả các lĩnh vực phát triển; tối ưu hoá nhắm tới việc gia tăng sử dụng không gian, tối ưu hoá trải nghiệm người dùng; bất động sản phải phát triển bền vững, tích hợp yếu tốt tiết kiệm năng lượng, đạt được tiêu chí “xanh”…