09:23 28/09/2017

Việt Nam tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu

Kim Tuyến

Báo cáo này cho biết sức cạnh tranh của Việt Năm tăng đáng kể là nhờ chỉ số quy mô thị trường tăng mạnh

Việt Nam xếp thứ 55 trong xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.<br>
Việt Nam xếp thứ 55 trong xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.<br>
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới công bố báo cáo xếp hạng cạnh tranh toàn cầu thường niên 2017 – 2018, theo đó Việt Nam xếp thứ 55 toàn cầu, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm ngoái.

Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của WEF gồm 137 nền kinh tế được xếp hạng 12 tiêu chí chính trong đó có thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, y tế, giáo dục, hiệu quả thị trường lao động, quy mô thị trường, phát triển thị trường tài chính…

Báo cáo này chỉ ra rằng sức cạnh tranh của Việt Năm tăng đáng kể là nhờ các chỉ số phát triển thị trường tài chính (tăng từ vị trí 78 lên 71), sẵn sàng công nghệ (từ vị trí 92 lên 79), khả năng cải tiến công nghệ (từ vị trí 79 lên 71), quy mô thị trường (tăng từ 31 lên 30).

Dù Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không còn có sự tham gia của Mỹ, tăng trưởng của Việt Nam vẫn được dự báo duy trì ổn định nhờ xuất khẩu, báo cáo cho hay.

Việt Nam cũng đã thu hẹp khoảng cách trong tiêu chí cải tiến công nghệ và mức độ tinh thông của doanh nghiệp với các quốc gia có cùng giai đoạn phát triển như Philippines.

Theo khảo sát của WEF trong khuôn khổ báo cáo này, 5 vấn đề khó khăn nhất khi làm kinh doanh tại Việt Nam gồm: khả năng tiếp cận tài chính, lao động không được đào tạo đầy đủ, tham nhũng, văn hóa làm việc và quy định về thuế.

“Các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn khi mà công nghệ và các nhóm địa chính trị đang định hình lại trật tự chính trị và kinh tế tự do - yếu tố then chốt trong chính sách kinh tế và quan hệ quốc tế trong suốt 25 năm qua”, Richard Samans, người đứng đầu chương trình nghị sự toàn cầu tại WEF nói.

“Việc giám sát chặt chẽ các yếu tốt quyết định tăng trưởng xã hội vẫn rất quan trọng, giúp các quốc gia có cơ hội tiếp cận cơ hội bình đẳng hơn và mức sống cao hơn”, ông Samans nhấn mạnh.

Đứng số 1 trong danh sách xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của WEF là Thụy Sĩ, vị trí duy trì từ năm 2012 với nhiều tiêu chí xếp nhất thế giới. Các quốc gia còn lại trong top 5 là Mỹ, Singapore, Hà Lan và Đức.