Việt Nam tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua, ông Ramachandran A.S – Tổng giám đốc Citi tại Việt Nam, khẳng định sẽ tiếp tục cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam...
Ông có hài lòng với các kết quả mà Citi đạt được tại Việt Nam trong thời gian qua?
Citi là tổ chức tài chính đầu tiên của Mỹ lập chi nhánh tại Việt Nam và chúng tôi rất vinh dự được đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu trong 29 năm qua. Citi tự hào đã thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại đây. Chiến lược của chúng tôi tại Việt Nam là tiếp tục làm những gì chúng tôi làm tốt nhất: cung cấp dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp cho các công ty lớn cũng như tổ chức tài chính có nhu cầu xuyên biên giới, đồng thời hỗ trợ khát vọng xây dựng một tương lai bền vững hơn của Việt Nam.
Đơn cử như năm ngoái, Citi đã thực thi dự án tín chỉ carbon đầu tiên trên thế giới của mình tại Việt Nam. Dự án nhằm giảm lượng khí thải CO2 bằng cách trao tặng bếp đun tiết kiệm năng lượng và máy lọc nước cho hơn 350.000 hộ gia đình có thu nhập thấp ở nông thôn. Citi cung cấp tín chỉ carbon từ dự án này để phân phối cho các công ty và nhà đầu tư trên thế giới có nhu cầu mua tín chỉ carbon và dự kiến sẽ mở rộng mảng tín chỉ carbon và tài chính xanh tại Việt Nam.
Citi cũng đã cung cấp khoản “tín dụng xanh” đầu tiên của Việt Nam để hỗ trợ nông dân trồng cà phê và làm việc với khách hàng của chúng tôi để tài trợ cho việc mua cà phê từ các đại lý/nông dân Việt Nam theo tiêu chuẩn được Rainforest Alliance chứng nhận.
Chúng tôi tiếp tục cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Với việc đầu tư vào khối ngân hàng doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã chứng kiến mức tăng trưởng mạnh của hoạt động này ở cấp độ khu vực cũng như tại Việt Nam.
Để hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng như thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, chuyển đổi số và ESG, Citi sẽ tiếp tục tìm kiếm những phương thức mới.
Theo ông, khi đầu tư vào Việt Nam có những cơ hội và thách thức gì?
Vào đầu năm nay, đã có những lo ngại về tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, suy thoái ở Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu đối với Việt Nam, vì đây là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế cho đến nay đã có những thay đổi trái chiều. Trong khi một số lĩnh vực đang bị chậm lại, những lĩnh vực khác vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, một số lĩnh vực thậm chí còn phát triển mạnh. Nhu cầu của người tiêu dùng ở phân khúc trung bình đến cao cấp vẫn ổn định.
Cho dù vẫn còn nhiều thách thức ở hiện tại, các nền tảng căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững mạnh và chúng tôi lạc quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam. Việt Nam có một số lợi thế để duy trì sự ổn định.
Thứ nhất và quan trọng nhất là Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và năng suất, có động lực cao, ham học hỏi và tập trung vào việc xây dựng thành tựu sự nghiệp.
Thứ hai, môi trường chính trị xã hội trong nước ổn định là một yếu tố quan trọng được các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc. Chính phủ Việt Nam có khung chính sách dài hạn nhất quán nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài và đưa ra các chính sách thúc đẩy tăng trưởng bền vững và công bằng. Hơn nữa, Việt Nam hoàn toàn cam kết đạt được các mục tiêu ESG (môi trường - xã hội – quản trị) và đã tham gia COP-26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu).
Thứ ba, Việt Nam là tiếp cận thương mại tự do. Việt Nam đã ký kết và đồng ý với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, RCEP, FTA với Anh và EU, cùng nhiều hiệp định khác.
Một lợi thế khác là vị trí chiến lược của Việt Nam. Với việc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cách Hồng Kông và Singapore vài giờ bay, Việt Nam đang trở thành một trung tâm khu vực năng động ở Đông Nam Á. Vị trí này cũng thuận tiện cho việc kết nối các tuyến đường vận chuyển quốc tế thông qua nhiều cảng dọc theo đường bờ biển dài của Việt Nam.
Cuối cùng, lĩnh vực kỹ thuật số của Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng to lớn. Nhiều người trẻ Việt Nam đang trở về nước sau khi du học để thành lập các công ty khởi nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, Fintech và Internet. Việt Nam đang có những bước tăng trưởng vượt bậc.
Tương lai của Việt Nam vô cùng hứa hẹn và đang có những bước đi đúng đắn để tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ.
Xin ông chia sẻ kế hoạch của Citi tại Việt Nam trong thời gian tới?
Chiến lược của Citi tại Việt Nam trong thời gian tới là tận dụng lợi thế về chuyên môn của chúng tôi trong khối doanh nghiệp lớn và các định chế để đáp ứng nhu cầu thương mại xuyên biên giới của các công ty và tổ chức tài chính lớn. Với sự hiện diện tại hơn 95 quốc gia, Citi mang đến một lợi thế và tầm nhìn chiến lược để hỗ trợ các tập đoàn mạnh trong nước, các tổ chức tài chính và các công ty đa quốc gia lớn nhất Việt Nam khi họ muốn mở rộng toàn cầu hay tìm kiếm những tham vấn từ đội ngũ chuyên gia thấu hiểu thị trường trong nước.
Bằng cách kết nối Việt Nam với mọi nơi trên thế giới, chúng tôi mở ra những cơ hội cho sự phát triển và mở rộng trong và ngoài nước. Chẳng hạn, chúng tôi đã cấp vốn cho một công ty Việt Nam ở Peru và chúng tôi đang cung cấp dịch vụ ngân hàng cho một Fintech lớn của Mỹ Latinh tại Việt Nam. Những giao dịch và kết nối mà chúng tôi đã thực hiện cho khách hàng là minh chứng cho sức mạnh của mạng lưới toàn cầu của Citi và tiềm năng của nền kinh tế toàn cầu.
Khi có nhiều khách hàng đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, ưu tiên của chúng tôi là hỗ trợ các dòng vốn này và tạo điều kiện cho họ phát triển thông qua bộ sản phẩm và dịch vụ đầy đủ. Tương tự, chúng tôi có thể hỗ trợ các công ty Việt Nam mở rộng ở châu Á hoặc sang các châu lục khác. Chúng tôi tiếp tục giới thiệu những sản phẩm, giải pháp và công nghệ tốt nhất tới khách hàng tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cam kết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Là một nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư tại Việt Nam, ông còn mong muốn thêm gì không?
Chính sách kinh tế dài hạn của Việt Nam rất nhất quán và được công nhận rộng rãi. Chính phủ cam kết hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ và hỗ trợ dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN đã dẫn đầu phái đoàn lớn nhất từ trước đến nay của Hoa Kỳ tới Việt Nam trong tháng 3, bao gồm các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ, quốc phòng và dược phẩm.
Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra đã buộc nhiều công ty phải theo đuổi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam là một quốc gia được hưởng nhiều lợi ích từ sự thay đổi này. Việt Nam đã có thể thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng kể từ Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới nhờ các chính sách kinh tế thuận lợi và ổn định cũng như các lợi thế chiến lược về lực lượng lao động trẻ, nền kinh tế số đang phát triển và các chính sách thương mại tự do.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam