Việt Nam vượt Thái Lan, xếp thứ 8 về Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021
Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu bảng Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021
Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu.
Trong đó, Trung Quốc xếp vị trí số 1, Ấn Độ xếp vị trí thứ 2, Indonesia ở vị trí thứ 3. Quatar và Thổ Nhĩ Kỳ xếp sau Việt Nam ở vị trí thứ 9 và thứ 10. Trong số các nước ASEAN, Indonesia xếp ở vị trí thứ 3, Malaysia ở bậc 5, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, Thái Lan xếp ở vị trí thứ 11, Philippines ở vị trí thứ 21, Campuchia 41.
Theo Agility, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trên toàn cầu về việc đối phó với Covid 19. Dữ liệu từ Đại học John Hopkins cho thấy, có ít hơn 1.500 các ca bệnh virus ở Việt Nam vào năm 2020. IMF dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 2,4% và cho rằng thành công này của Việt Nam là do kịp thời ngăn chặn Covid 19. “Mức tăng 3 hạng của Việt Nam lên vị trí thứ 8 là mức tăng nhanh nhất ở nửa trên của chỉ mục và thay thế khu vực Thái Lan trong top 10”, Agility nhấn mạnh.
Đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng tốc vào Việt Nam từ cuối những năm 2000 khi các nhà sản xuất hàng may mặc cấp thấp đã tìm kiếm một giải pháp thay thế chi phí gia tăng của thị trường Trung Quốc. Việt Nam đã phát triển thành công thị trường xuất khẩu đa dạng. Trong chín tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, bù đắp cho giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu có giá trị thấp hơn sang phương Tây.
Trong những năm gần đây, năng lực sản xuất, trình độ công nghệ cao của Việt Nam đã tăng đáng kể, giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nâng cao chuỗi giá trị do chi phí ở Trung Quốc tăng. Những lựa chọn để tránh các chi phí bổ sung liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng tiếp thêm động lực cho các nhà sản xuất lựa chọn Việt Nam.
Trong đó, Samsung, doanh nghiệp đóng góp một phần tư kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thông qua hoạt động sản xuất điện thoại thông minh trong nước, sẽ chuyển nhà máy sản xuất PC sang Việt Nam sau khi đóng cửa tại Trung Quốc trong năm 2020. Apple cũng được cho là đã yêu cầu rằng Foxconn mở một địa điểm sản xuất tại Việt Nam để thêm năng lực sản xuất iPad và MacBook. Ở thời điểm đầu năm 2021, khi mà dây chuyền sản xuất hoạt động, sẽ là lần đầu tiên việc sản xuất iPad được đặt bên ngoài Trung Quốc. Công ty điện tử LG của Hàn Quốc công bố kế hoạch đầu tư trong năm 2020.
Covid-19 tiếp tục phơi bày những rủi ro của việc quá tin tưởng vào Trung Quốc, Việt Nam sẽ là một lựa chọn hấp dẫn để tái định cư thực sự. Theo Agility, 19,2% những người được khảo sát cho rằng Việt Nam là địa điểm số một đa dạng hóa các địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
“Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế về chi phí và thuận tiện trong mạng lưới cung cấp. Kết quả là, Việt Nam đã lọt vào Top 10 của Chỉ số năm nay và tiếp tục thể hiện sức mạnh trong nhiều năm tới”, báo cáo này nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, theo Agility, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức như đầu tư vào công nghệ cao của Việt Nam còn thiếu kỹ năng và kiến thức để sản xuất hàng hoá có giá trị cao nhất. Theo Navigos Group báo cáo, 71% nhà tuyển dụng cho rằng việc thiếu kỹ năng Công nghệ thông tin là thách thức quan trọng nhất.
Savills cũng nêu rõ tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp năm 2020 đạt 74% trên toàn quốc, trong khi ở Bình Dương, Đồng Nai, ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ lấp đầy lần lượt là 99% và 94%. Việc thiếu các nhà cung cấp linh kiện trong nước cũng buộc Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc. Nghiên cứu từ Đại học Harvard chỉ ra rằng Việt Nam tạo thêm trung bình 55% giá trị sản phẩm, thấp hơn các thị trường châu Á tương tự.