Vinasoy hướng đến mục tiêu doanh nghiệp tỷ “đô”
Khởi nghiệp bằng số vốn ít ỏi từ 20 năm trước, đến nay Vinasoy đã đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng
Khởi nghiệp bằng số vốn ít ỏi từ 20 năm trước, đến nay Vinasoy đã đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng và vươn lên vị trí dẫn đầu ngành sữa đậu nành tại thị trường trong nước.
Năm 2017, sức tiêu thụ của ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa chậm lại đáng kể, từ mức 8,9% trong quý 1 giảm xuống 4,2% trong quý 3, theo báo cáo Market Pulse của Nielsen. Trong khi đó, Vinasoy vẫn đạt tăng trưởng đều đặn ở mức 7%, cao hơn bình quân toàn ngành, thị phần vẫn dẫn đầu ở mức 84,3%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với năm 2016.
Với thị trường như vậy, Công ty đường Quảng Ngãi (đơn vị chủ quản của Vinasoy) đã đạt lợi nhuận gộp ngành hàng sữa đậu nành ổn định quanh mốc 1.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận tốt, thị trường ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho Vinasoy mở rộng quy mô. Sau nhà máy Bắc Ninh đã hoàn thành năm 2015, mới đây, giai đoạn 1 của nhà máy mới ở Bình Dương cũng kịp đi vào hoạt động trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập công ty.
Nhà máy này không chỉ giúp nâng tổng công suất của Vinasoy lên 390 triệu lít sữa đậu nành/năm, mà còn là sự xác tín cho sự tăng tốc mạnh mẽ của doanh nghiệp trên thị trường sữa đậu nành hộp giấy.
Theo ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy, sau nhiều lần học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường có ngành hàng sữa đậu nành phát triển, ông đã tìm ra lời giải đáp cho bước đi tiếp theo của công ty. Theo vị này, công nghệ, máy móc hoàn toàn có thể nhập khẩu và ai cũng có thể làm được thì nguyên liệu chính là "Gót chân Asin" của ngành sữa đậu nành.
Ông Tụ xác định vị thế của Vinasoy được là dựa vào khả năng kiểm soát nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng và hoàn toàn không biến đổi gen với cả nguồn đậu nành ngoại nhập mà công ty đang sử dụng.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển bền vững, lãnh đạo Vinasoy xác định phải làm chủ về mặt nguyên liệu. Tầm nhìn này đã được Vinasoy bắt tay thực hiện từ năm 2013 bằng trung tâm nghiên cứu giống đậu nành, hợp tác vùng trồng nguyên liệu với nông dân. Hiện ngân hàng giống đang sở hữu 1.588 nguồn gen quý của đậu nành trong và ngoài nước.
Hiểu rõ về gen trong đậu nành giúp Vinasoy áp dụng công nghệ di truyền phân tử (phương pháp hiện đại không biến đổi gen) để lai tạo được những giống đậu nành có năng xuất và chất lượng vượt trội. Trong vụ vừa qua, giống đậu nành mới của Vinasoy đã cho năng suất 2,8 tấn/ha (so với giống địa phương chỉ 1,5 tấn/ha) và trong vụ tới, năng suất sẽ tiếp tục được nâng lên khoảng 3 tấn/ha (ngang tầm với năng suất đậu nành thế giới). Không chỉ vậy, những giống đậu nành mới này còn có những chất dinh dưỡng quý cho sức khỏe con người như Omega3, Omema 6... mà giống đậu nành thông thường không có được.
Nhờ sở hữu được nguồn nguyên liệu tốt như thế, Vinasoy chỉ việc sản xuất sữa đậu nành theo quy trình hữu cơ chứ không cần phải can thiệp sâu hơn vào quy trình sản xuất. Cái "gốc" này cho phép doanh nghiệp mở rộng thêm nhiều danh mục sản phẩm khác nhau, tạo nên sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh cho Vinasoy trên thị trường.
Chia sẻ về khoảng thời gian khá tĩnh lặng gần đây của Vinasoy, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết: "2017 được xem là một năm nhìn lại của Vinasoy, chúng tôi không ra mắt sản phẩm mới, nhưng âm thầm chuẩn bị cho những bước đi dài hơi hơn. Nhìn từ bên ngoài sẽ thấy Vinasoy đi chậm lại trong năm qua nhưng thật ra chúng tôi vẫn không ngừng chạy đua đến tương lai".
Với năng lực sản xuất đứng top 5 thế giới cùng những gì đã và đang làm của Vinasoy, doanh nghiệp đang có những bước tiến rất gần đến ước mơ chinh phục con số 1 tỷ USD trong thời gian tới.
* Thông tin chi tiết:
Website: http://20nam.vinasoycorp.vn