Virus gây bệnh hô hấp ở Trung Quốc có giống Covid-19?
HMPV là một loại virus hô hấp gây triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường và cúm, nhưng có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, và những người có hệ miễn dịch yếu…
Những hình ảnh người dân đeo khẩu trang trong các bệnh viện đông nghịt lan truyền tại Trung Quốc những ngày này gợi ám ảnh về thời điểm ban đầu của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã trấn an người dân thế giới rằng đây chỉ là "hiện tượng mùa đông thông thường".
Hôm 4/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ning, cho biết các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm. "Chính phủ Trung Quốc quan tâm đến sức khỏe của công dân và cả du khách. Du lịch tại nước tôi hiện vẫn an toàn", bà Mao cho biết.
Khi được hỏi về tình trạng quá tải tại các bệnh viện và báo cáo bệnh đường hô hấp gia tăng, bà nhận định triệu chứng của người dân ít nghiêm trọng, quy mô lây lan nhỏ hơn so với năm trước. Bà cũng kêu gọi người dân và du khách tham khảo hướng dẫn của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia Trung Quốc.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng khẳng định HMPV không phải là hiểm họa mới. Nhà nghiên cứu Trịnh Lệ Xu tại Viện Vi sinh vật học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết HMPV là virus phổ biến với các triệu chứng phát triển chậm và không đặc hiệu. Nhà nghiên cứu trên khẳng định đối với hầu hết bệnh nhân, các triệu chứng sẽ dần hết trong khoảng một tuần.
Bác sĩ Lý Đồng Tăng tại Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hựu An Bắc Kinh, cho rằng trẻ em, những người có hệ miễn dịch yếu và người già dễ mắc HMPV và có nhiều khả năng nhiễm đồng thời các loại virus đường hô hấp khác. Trước đây, chỉ 1% số ca tử vong liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi có thể là do HMPV.
Dù vậy, các biện pháp khẩn cấp đã được triển khai để kiểm soát tình hình. Ngày 4/1, Bộ Y tế Ấn Độ đã triệu tập cuộc họp của Nhóm giám sát hỗn hợp (JMG) để đánh giá tình trạng gia tăng các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp tại nước láng giềng Trung Quốc trong vài tuần qua. "Dữ liệu từ cuộc diễn tập chuẩn bị gần đây trên khắp cả nước, cho thấy nước ta đã chuẩn bị tốt để ứng phó với bất kỳ sự gia tăng nào về các bệnh về đường hô hấp", trang Mint dẫn tuyên bố của Chính phủ Ấn Độ.
Truyền thông các nước láng giềng như Indonesia và Nhật Bản cũng khuyến cáo công dân lưu ý tình hình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Đặc khu Hồng Kông gần đây báo cáo một số trường hợp mắc HMPV, theo trang The Independent. Vùng lãnh thổ Đài Loan và Campuchia cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Đài Loan cho biết loại bệnh này có nguy cơ cao hơn đối với trẻ em, người già và những người bị suy giảm miễn dịch.
Theo đài CGTN, từ giữa tháng 12/2024, số ca nhiễm metapneumo virus trên người (HMPV) tại Trung Quốc đã tăng lên, gây lo ngại về sự xuất hiện của một loại virus mới 5 năm từ sau sự bùng phát của Covid-19. Hôm 27/12/2024, một bác sĩ tại tỉnh Giang Tô đăng trên mạng xã hội cho hay bệnh viện của mình đã phát hiện một virus chưa được biết đến. Bác sĩ này khẳng định những bệnh nhân liên quan đều bị viêm phổi, suy hô hấp và mặc dù loại virus này không dễ lây truyền như virus corona, tỷ lệ tử vong lại cao hơn nhiều.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sau đó đã thông tin HMPV được phát hiện từ năm 2001, thuộc họ Pneumoviridae - cùng họ với virus hợp bào hô hấp (RSV). Điểm quan trọng là mức độ nghiêm trọng và khả năng lây lan của HMPV thấp hơn nhiều so với Covid-19. Theo thống kê của tạp chí Newsweek, trong khi đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 7 triệu người tử vong trên toàn cầu, HMPV thường chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi ở đa số các trường hợp.
Bên cạnh đó, dù có nét tương đồng, HMPV không giống virus hợp bào hô hấp (RSV). Cả hai đều thuộc cùng chi Pneumovirus và có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Độ tuổi dễ bị bệnh nặng do HMPV nhất là từ 6 đến 12 tháng. Trong khi đó, RSV dễ gây bệnh nặng hơn ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng.
Virus HMPV có thời gian ủ bệnh từ 3 - 6 ngày, và lây lan chủ yếu qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm khuẩn. Các triệu chứng của HMPV tương tự cúm, bao gồm: ho, sốt, nghẹt mũi và khó thở. Tuy nhiên, trong trường hợp nghiêm trọng, virus có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phế quản hoặc viêm phổi. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, thời gian ủ bệnh kéo dài từ ba đến 7 ngày, việc hồi phục hoàn toàn có thể mất thêm một thời gian.
Theo dữ liệu từ CDC Mỹ, mặc dù HMPV có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhóm có nguy cơ cao nhất là trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, người trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Trong một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển thành viêm phế quản, viêm phổi hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng hen suyễn. Hiện bệnh hô hấp do HMPV chưa có vaccine phòng ngừa.
Bác sĩ chẩn đoán HMPV dựa trên các triệu chứng và tiền sử sức khỏe. Người bệnh có thể được chỉ định lấy mẫu từ mũi. Đôi khi, bác sĩ cũng thực hiện nội soi phế quản hoặc chụp X-quang ngực để tìm kiếm điểm bất thường ở phổi. Hiện cũng không có thuốc kháng virus điều trị HMPV. Mọi người có thể tự điều trị theo triệu chứng tại nhà cho đến khi cảm thấy khỏe hơn.
Phương pháp đơn giản để giảm nguy cơ nhiễm HMPV là rửa tay bằng xà phòng, nước hoặc các loại dung dịch rửa tay khô có cồn. Mọi người nên che mũi và miệng bằng khuỷu tay khi hắt hơi, ho. Nếu phát hiện bản thân có các triệu chứng tương tự cúm, bạn có thể đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người khác.
Người nhiễm HMPV nên uống nhiều nước, dùng thuốc thông mũi, giảm ho. Tuy nhiên, không cho trẻ em dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa. Bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện nếu có các triệu chứng: sốt cao (trên 40 độ C); khó thở; da, môi hoặc móng tay tím tái.
Chiều ngày 5/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam) cho biết đã chủ động theo dõi, giám sát thông tin về diễn biến tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại Trung Quốc. Cục sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với WHO, đầu mối thực hiện IHR của Trung Quốc để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng đồng thời không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh.