Vissan tạm dừng, có thiếu thịt heo?
Sở Công thương TP.HCM khẳng định hiện thành phố có nhiều nhà cung ứng thịt khác, Vissan chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, nên nguồn cung cấp thịt heo cho người dân thành phố vẫn bảo đảm…
Chiều ngày 28/7, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chính thức phát ra thông tin khẳng định vẫn tiếp tục cung ứng mặt hàng thực phẩm tươi sống tại thị trường thành phố, dù buổi sáng cùng ngày công ty này đã có văn bản gửi Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) xin được tạm ngừng sản xuất từ ngày 28/7.
Theo Vissan, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay, việc đảm bảo được nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân được đánh giá rất quan trọng, do đó, với vai trò là một trong những doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, Vissan luôn bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm với giá cả ổn định đến người dân thành phố. Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là sứ mệnh của một doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.
Cũng theo Vissan, từ ngày 28/6, công ty đã triển khai "3 tại chỗ" để vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch. Song song đó, công ty tổ chức xét nghiệm định kỳ hằng tuần và đã tiêm ngừa cho người lao động. Từ ngày 19/7 đến ngày 27/7, Công ty đã tổ chức thực hiện 10 lượt xét nghiệm cho người lao động. Qua đó phát hiện 43 ca dương tính Sars-CoV-2 và hơn trăm ca F1, tập trung chủ yếu tại các bộ phận thu mua và cung ứng; bộ phận tiếp nhận nguồn heo hơi.
Vissan khẳng định vẫn tiếp tục cung ứng mặt hàng thực phẩm tươi sống tại thị trường thành phố. Các hoạt động kinh doanh khác sẽ được khôi phục dần sau khi lực lượng lao động tại các khu vực cách ly đủ điều kiện trở lại làm việc.
Ngay sau khi phát hiện có ca nghi nhiễm đầu tiên, Vissan đã nhanh chóng phối hợp các đơn vị chức năng, kịp thời đưa các ca F0 đi cách ly theo quy định; đồng thời tiến hành sàng lọc, tổ chức khoanh vùng phong tỏa tạm thời các khu vực có ca nghi nhiễm và thực hiện các quy định theo hướng dẫn của HCDC. Với sự hỗ trợ của UBND quận Bình Thạnh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, công ty đã chuyển các ca F1 đến nơi tập trung trên địa bàn quận Bình Thạnh.
Đại diện Vissan cũng khẳng định các hoạt động kinh doanh khác sẽ được khôi phục dần sau khi lực lượng lao động tại các khu vực cách ly đủ điều kiện trở lại làm việc.
Được biết, trong cuộc họp báo chiều cùng ngày 28/7, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết ước tính nguồn cung ứng gia súc tại thành phố khoảng 10.000 con/ngày.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lượng thịt gia súc tiêu thụ hàng ngày giảm khá mạnh, hiện còn ở mức 5.000 - 6.000 con/ngày. Có ngày lượng cung ứng còn giảm xuống mức 4.500 con.
Cũng theo ông Phương, việc (Vissan) tạm ngừng cung ứng mặt hàng thịt khay để củng cố công tác phòng chống dịch tại nhà máy, việc cung ứng nguồn thịt cho các hê thống phân phối hiện đại có tạm gián đoạn và thay đổi. Tuy nhiên, trên bình diện tổng thể thành phố không có ảnh hưởng lớn do nguồn cung từ các địa phương rất dồi dào.
“Hiện Vissan đang cung cấp mỗi ngày khoảng 600 con heo, tương đương 10% tổng lượng cung của thành phố. Ngoài Vissan, các siêu thị còn tiếp nhận nguồn hàng từ đơn vị khác như Sagrifood, Masan, Anh Hoàng Thi, CJ, CP, Feddy... nên vẫn còn dư thừa công suất và năng lực cung ứng, có kế hoạch bù đắp nguồn cung thịt heo cho TP.HCM”, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói.
Ngoài ra, các hệ thống phân phối hiện đại vẫn có thể tiếp tục cung ứng thịt từ nguồn thịt đông lạnh và các cửa hàng đại lý của Vissan cũng có nguồn hàng dự trữ, có thể tiếp tục dùng nguồn này cung ứng những ngày tới.
Mặt khác, thời gian qua, số lượng các chợ truyền thống tạm dừng hoạt khá nhiều nên kênh phân phối tại các chợ của Vissan thực tế cũng đã tạm ngưng từ khá lâu. Chính vì vậy, việc cung ứng mặt hàng thịt gia súc sẽ không có nhiều ảnh hưởng và giá cả vẫn tiếp tục ổn định.
Cũng theo Sở Công Thương, Vissan đang tích cực đàm phán với các đối tác để có nguồn cung bổ sung, dự kiến trong vòng 3 ngày sẽ phục hồi được nguồn hàng với sản lượng 600 - 1.000 con/ngày.