23:01 10/01/2022

Vn-Index bay 25 điểm, chuyên gia nói cổ phiếu vẫn chưa rơi về vùng quá hấp dẫn để bắt đáy

An Nhiên

Hiện tại Vn-Index chỉ là điều chỉnh sau khi vượt 1.500 điểm chứ cổ phiếu chưa rơi về vùng quá hấp dẫn để bắt đáy...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Vn-Index đã điều chỉnh nhanh hơn so với hầu hết các dự báo trên thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index sụt giảm 1,62%, độ rộng còn 141 mã tăng/308 mã giảm. VN30 giảm 1,14% với 4 mã tăng/24 mã giảm.

Nhóm cổ phiếu Midcap xuất hiện tình trạng đánh úp rõ rệt nhất. Chỉ số đại diện của rổ này đóng cửa giảm tới 3,11% và chỉ còn 10 mã tăng/56 mã giảm. Thanh khoản của Midcap vọt lên xấp xỉ 17.780 tỷ đồng đã phá kỷ lục lịch sử trên 15,4 ngàn tỷ đồng hôm 19/11 vừa qua. Thanh khoản lớn, biến động giá đảo chiều từ tăng mạnh sang giảm mạnh là kết quả của hoạt động xả hàng. Nhóm smallcap cũng đảo chiều rất mạnh, nhưng chưa đột biến.

Đánh giá về mức sụt giảm của thị trường tại buổi livestream"Giao dịch thế nào khi VN-Index vượt 1.500?" chiều 10/1, ông Huỳnh Hữu Phước, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, khi dòng tiền "nóng" tham gia thị trường sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý nhiều. Khi thị trường lên thì FOMO cùng lên mà xuống thì FOMO cùng xuống.

Hiệu ứng bán tống bán tháo cùng với tâm lý FOMO đẩy lên cao khiến những cổ phiếu Penny và Midcap thường có xu hướng tăng nhanh giảm sốc. Do áp lực chốt lời mạnh nên những cổ phiếu nóng đóng phiên với giá sàn hoặc gần sàn.

Bên cạnh đó, có thể thấy động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu Bluechips thời gian qua cùng với dòng tiền tham gia chưa thực sự mạnh mẽ và dứt khoát. Do đó, khi thị trường biến động sẽ tạo nên sự cộng hưởng giảm khiến thị trường giảm mạnh trong phiên hôm nay.

Vị chuyên gia cũng đánh giá mức độ biến động của thị trường ngày càng mạnh mẽ khi tăng nhanh, giảm sốc bất ngờ. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này cũng hoàn toàn hợp lý khi dòng tiền trên thị trường hầu như là dòng tiền "nóng" của nhà đầu tư F0 – những nhà đầu tư mới thường có tâm lý khá bất ổn và luôn theo "hiệu ứng đám đông".

Ông Huỳnh Hữu Phước, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) (ngoài cùng bên phải).
Ông Huỳnh Hữu Phước, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) (ngoài cùng bên phải).

Bàn về chiến lược giao dịch trong giai đoạn tháng giêng, ông Phước cho hay, thị trường thường có xu hướng tăng mạnh trong quý 1. Thống kê cho thấy, 5-7 năm trở lại đây chỉ có khoảng 1-2 năm Vn-Index giảm như thời điểm 2020 Vn-Index giảm vì Covid còn lại tất cả các năm thị trường đều tăng trong quý 1.

Tuy nhiên, các năm trước cũng đều cho thấy, thị trường giao dịch trầm lắng khi cách Tết Nguyên đán từ 1-2 tuần, lúc này các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp có tâm lý phòng thủ trước dịp nghỉ lễ kéo dài. Riêng năm nay Tết Nguyên đán nghỉ 9 ngày trong đó nghỉ 5 ngày giao dịch và trong 5 ngày này nhà đầu tư không biết sẽ chuyện gì xảy ra với thị trường quốc tế nên thường có khuynh hướng phòng thủ, nắm giữ tiền mặt rồi sau đó ra Tết khai xuân, đầu tư đón lộc đầu năm.

Do đó, nếu nhà đầu tư nào lướt sóng theo phong thái nghỉ tết Nguyên đán thì nên bắt đầu tuần này hoặc chậm nhất tuần sau cơ cấu lại danh mục. Vì để đến tuần cuối của năm thì dễ rơi vào trạng thái bị động, nếu thị trường nhịp điều chỉnh rất khó cơ cấu danh mục.

"Vậy chúng ta có nên bắt đáy để đón chờ cơ hội sau Tết Nguyên đán không? Câu trả lời là chúng ta vẫn nên bắt đáy với điều kiện thị trường giảm còn hiện tại chỉ là điều chỉnh sau khi vượt 1.500 điểm chứ cổ phiếu chưa rơi về vùng quá hấp dẫn để bắt đáy và phải chọn lọc cổ phiếu tham gia, nên chọn cổ phiếu đang hút dòng tiền', ông Phước nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phước, một số nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể nhìn nhận và tìm hiểu tham gia trong giai đoạn tới như xây dựng và bất động sản nhờ hưởng lợi gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng mà Quốc hội đang họp. Bên cạnh đó, những ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19 năm 2021 thì sẽ hồi phục năm 2022 như nhóm bất động sản thương mại, hàng tiêu dùng, bán lẻ và đặc biệt là nhóm năng lượng cần quan tâm và lưu ý nhờ phục hồi kinh tế.