Giao dịch “mù”, cổ phiếu nào bị đánh úp?
Sàn HoSE gần 2h chiều nay có hơn chục phút bảng điện nhảy số chậm, lệnh vào từ các đầu công ty chứng khoán cũng bị treo một lúc. Thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn, đúng lúc giá nhảy chóng mặt nhất...
Sàn HoSE gần 2h chiều nay có hơn chục phút bảng điện nhảy số chậm, lệnh vào từ các đầu công ty chứng khoán cũng bị treo một lúc. Thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn, đúng lúc giá nhảy chóng mặt nhất.
Lệnh thử ở một số công ty chứng khoán cho thấy có độ trễ cả chiều mua lẫn chiều bán. Dù công ty chứng khoán nhận lệnh và đẩy vào hệ thống HoSE, nhưng bị chậm (không có xác nhận lệnh ngay). Bảng giá cũng không chính xác, các chỉ số vẫn thay đổi giá trị nhưng với tốc độ chậm hơn hẳn bình thường.
Đến khi giao dịch bình thường trở lại, biến động gia tăng rất mạnh. Lúc 1h50 chỉ số VN-Index mới giảm khoảng 5 điểm, nhưng đến gần 2h bốc hơi gần 13 điểm. Thời gian chậm lệnh, một số công ty chứng khoán nhỏ vẫn vào lệnh bình thường, nhưng khoảng 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, lực bán dâng cao và đến cuối đợt này, VN-Index đã -15,31 điểm. ATC lực bán tiếp tục mạnh, đẩy chỉ số giảm tổng cộng 24,77 điểm tương đương 1,62% so với tham chiếu.
Diễn biến này mạnh bất thường vì không có bất kỳ thông tin đặc biệt xấu nào xuất hiện, cũng như diễn biến quốc tế ổn định. Tuy nhiên lực bán dường như đã mạnh lên. Nhiều cổ phiếu có lực bán sốc giá giảm cực sâu. Do hệ thống giao dịch chậm nên không rõ lực cung cầu bị dồn lại hay bên mua không thể bắt đáy đủ nhiều. Tuy nhiên đến cuối phiên tình trạng bán vẫn rất lớn.
Hàng loạt cổ phiếu đang tăng mạnh đảo chiều thành giảm chóng mặt với thanh khoản rất lớn. FLC tính theo giá trị có phiên thanh khoản kỷ lục với 3.095 tỷ đồng, giá từ mức kịch trần tăng 6,87% thành giảm 6,21% lúc đóng cửa. Biên độ chênh lệch giữa giá đóng cửa và giá cao nhất tới -12,2%. CII cũng từ tăng 6,39% thành giảm sàn 6,91%, biên chênh lệch -12,5%, thanh khoản gần 1.004 tỷ đồng. Các mã giảm sàn lúc đóng cửa với thanh khoản rất lớn thuộc nhóm đang được đầu cơ mạnh là ROS, HBC, LDG, LCG, AAA, BCM, KHP, DAG...
Thống kê trên sàn HoSE hôm nay có tới 84 cổ phiếu chênh lệch giữa giá đóng cửa với giá cao nhất phiên vượt 5%. Đó là biên độ dao động rất lớn với tính chất của một bull-trap. Nhóm cổ phiếu Midcap xuất hiện tình trạng đánh úp rõ rệt nhất. Chỉ số đại diện của rổ này đóng cửa giảm tới 3,11% và chỉ còn 10 mã tăng/56 mã giảm. Thanh khoản của Midcap vọt lên xấp xỉ 17.780 tỷ đồng đã phá kỷ lục lịch sử trên 15,4 ngàn tỷ đồng hôm 19/11 vừa qua. Thanh khoản lớn, biến động giá đảo chiều từ tăng mạnh sang giảm mạnh là kết quả của hoạt động xả hàng.
Nhóm smallcap cũng đảo chiều rất mạnh, nhưng chưa đột biến. Chỉ số đại diện nhóm đóng cửa giảm 1,64% trong khi lúc đạt đỉnh ngay đầu phiên chiều là tăng 1,54%. Rổ này cũng còn 69 mã tăng/105 mã giảm, trong đó 19 mã vẫn kịch trần. Giao dịch mạnh mẽ là QCG, TSC, PHC, VPH, SJF, SHI, thanh khoản khá tốt và chống đỡ được đợt rung lắc buổi chiều.
VN-Index chốt phiên sụt giảm 1,62%, độ rộng còn 141 mã tăng/308 mã giảm. VN30 giảm 1,14% với 4 mã tăng/24 mã giảm. Như vậy nhóm blue-chips cũng rất yếu. Tuy vậy do mức tăng trong phiên cũng không có gì nhiều, nên biến động không lớn. POW là cổ phiếu sốc nhất khi từ mức tăng 3,23% thành sàn -6,95%. Rổ này ngoài POW có 12 mã khác biến động chênh lệch 3-5% trong phiên.
Giảm có ảnh hưởng nhất tới VN-Index chiều nay là GAS, chốt phiên bốc hơi 5,12%. NVL giảm 2,89%, GVR giảm 2,08% là các mã khác đáng kể. Điểm số biến động mạnh buổi chiều còn là do các trụ cũng chịu tác động. VIC là ví dụ, không thoát khỏi ảnh hưởng chung, dù chốt phiên tăng 0,1%, nhưng cũng phải trả lại mức tăng trên 3% trước đó.
Đợt xả cực mạnh ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã đẩy thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết hôm nay tăng vọt lên trên 44 ngàn tỷ đồng. Đây chưa phải là kỷ lục, nhưng mức trên 44 ngàn tỷ trong lịch sử thị trường cũng chỉ có vài phiên, tập trung chủ yếu vào giai đoạn đầu tháng 11/2021.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay không gây áp lực đáng kể, tổng giá trị bán ở HoSE chỉ hơn 6% tổng giao dịch. Mức bán ròng khoảng 465 tỷ đồng. Trong đó CII bị bán rất lớn -223 tỷ đồng, VRE -87 tỷ, NVL -60 tỷ. Phía mua lớn nhất là HPG, VHM, BCM cũng chỉ trên dưới 30 tỷ đồng.