VN-Index “bay màu”, sếp nhiều doanh nghiệp ồ ạt đăng ký mua vào cổ phiếu
Thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ suốt từ cuối tuần qua cho đến nay. VN-Index đâm thủng mốc 1.300 điểm, hiện đang loanh quanh vùng 1.294, nhiều cổ phiếu cắm đầu lao dốc sau những chuỗi ngày dài miệt mài tăng...
Đây là nhịp điều chỉnh sâu thứ ba của thị trường tính từ đầu năm đến nay. Nhịp thứ nhất ngày 29/1, VN-Index rơi về 1.056 điểm. Nhịp thứ hai gần đây là 19/7, VN-Index 1.243 điểm.
Triển vọng thị trường khá tiêu cực khi mà biến thể Delta siêu lây nhiễm và phức tạp, nhà chức trách buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại Hà Nội và các tỉnh/thành phố miền Nam gồm TP.HCM - nơi đặt nhiều nhà máy, công xưởng sản xuất. Lợi nhuận nhiều ngành được dự báo tăng trưởng âm trong quý 3/2021, đối với các ngành xuất khẩu thì đứt gãy chuỗi cung ứng đang là áp lực lớn nhất chưa được giải tỏa. Nhóm ngân hàng - nhóm chiếm vốn hóa lớn nhất thị trường lợi nhuận cũng kém khả quan do hạ lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động không có biến động.
VN-Index cũng đã tăng trưởng dài suốt một thời gian, do đó, nhịp điều chỉnh này được đánh giá là cần thiết. Kinh nghiệm từ đầu năm đến nay, mỗi lần thị trường chỉnh sâu sau đó lại bật tăng mạnh. Quan sát cho thấy, trong ba phiên gần đây, lãnh đạo các doanh nghiệp, cổ đông lớn cũng đồng loạt đăng ký mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp mình.
Đơn cử, Giám đốc tài chính Công ty CP Đầu tư Nam Long vừa đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu NLG, nâng sở hữu lên 769.002 cổ phiếu. Thời gian thực hiện giao dịch từ 27/8 đến 25/9, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Trên thị trường, cổ phiếu NLG sau khi đạt đỉnh 43.800 đồng ngày 9/8 hiện rơi về vùng 41.500 đồng/cổ phiếu. Dự kiến, vị giám đốc tài chính sẽ phải bỏ ra gần 4,2 tỷ để mua vào cổ phiếu.
Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) mới đây cũng đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu MSN nâng tỷ lệ sở hữu từ 31,38% lên 31,55%. Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu MSN nâng tỷ lệ sở hữu lên 13,36%. Các giao dịch này dự kiến thực hiện qua phương thức thoả thuận/khớp lệnh, thời gian thực hiện từ ngày 26/8-24/9/2021.
Nếu giao dịch của Công ty CP Masan cùng Xây dựng Hoa Hướng Dương thành công, tổng số sở hữu của nhóm nội bộ bao gồm ban lãnh đạo cấp cao và các bên liên quan sẽ tăng lên gần 600 triệu cổ phần, tương đương 50,73% vốn. Giá cổ phiếu MSN đã giảm 8,5% kể từ vùng đỉnh ngày 9/8, chốt phiên giao dịch sáng nay, thị giá MSN neo ở vùng 129.400 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, các đơn vị trên sẽ phải chi ra 388 tỷ đồng để mua vào cổ phiếu MSN.
Tại Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Hoàng Anh, con trai của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng đã hoàn tất mua vào 4 triệu cổ phiếu HAG, chính thức sở hữu 0,43% cổ phần HAG. Nếu tính theo giá trị thị trường phiên 20/8, vị này có thể đã phải chi ra khoảng 200 tỷ đồng.
Thành viên HĐQT Công ty CP Transimex- ông Bùi Minh Tuấn cũng vừa đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu TMS nâng tỷ lệ sở hữu từ 15,92% lên 17,15%. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 27/8 đến 24/9. Cổ phiếu TMS đang neo ở vùng giá 51.500 đồng/cổ phiếu, giảm 16% so với thời điểm đầu tháng 8. Tạm tính theo giá này, ông Tuấn có thể phải chi ra 51,5 tỷ đồng để mua vào cổ phiếu TMS.
Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa bà Đoàn Vũ Uyên Duyên ngày 24/8 cũng đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu SBT, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,15% lên 1,08%. Thời gian thực hiện từ 27/8 đến 24/9, thông qua thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Cổ phiếu SBT đã giảm 9% trong 4 phiên gần đây, hiện giao dịch ở mức giá 20.450 đồng/cổ phiếu. Dự kiến, bà Duyên phải chi ra 122 tỷ đồng để sở hữu thêm lô cổ phiếu trên.
Còn tại Công ty CP Thế giới di động, cổ đông lớn Arisaig Asia Consumer Fund Limited mới đây cũng mua vào cổ phiếu MWG, nâng tỷ lệ sở hữu 5,59% lên 6,03%.
Hôm nay, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh Chuyên viên Ban Quản lý dự án BR-VT của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), em ruột của ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT cũng sẽ mua vào 7.000 cổ phiếu DIG, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,001% lên 0,003%. Đây chính là số cổ phiếu ESOP do DIC Corp phát hành.
Không riêng gì lãnh đạo các doanh nghiệp, nhiều quỹ đầu tư đơn cử như Pyn Elite Fund cũng cho rằng nhịp điều chỉnh sâu chính là cơ hội để mua vào cổ phiếu. Ông Petri Deryng, người đứng đầu quỹ đồng ý với quan điểm rằng Chính phủ Việt Nam sẽ kiểm soát được làn sóng thứ tư trong một thời gian hợp lý và tất cả những lần sụt giảm trên thị trường chứng khoán trải qua trong thời gian đó đều là điểm để mua. “Theo quan điểm chung và riêng của chúng tôi, chỉ số VN-Index đang tiến về mức 1.500 điểm vào cuối năm”, đại diện quỹ đầu tư cho hay.