09:51 12/01/2007

VN-Index ở ngưỡng cửa 900 điểm

Hồng Kỳ

Những dự báo đầy lạc quan từ giới chuyên môn tại hội nghị triển khai hoạt động thị trường chứng khoán năm 2007 tiếp tục tác động tốt đến thị trường

Theo dự báo, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2007 sẽ đạt khoảng 30% GDP - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo dự báo, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2007 sẽ đạt khoảng 30% GDP - Ảnh: Việt Tuấn.
Những dự báo đầy lạc quan từ giới chuyên môn tại hội nghị triển khai hoạt động thị trường chứng khoán năm 2007 tiếp tục tác động tốt đến thị trường.

Chỉ số giá chứng khoán VN-Index đã tăng lên 885,43 điểm, tăng 19,72 điểm (+2,28%) so với phiên trước. Cứ với đà tăng trưởng này, chỉ cần phiên nữa, cột mốc 900 điểm của VN-Index nằm trong tầm tay.

Cũng tại hội nghị này, các nhà hoạch định chính sách đã dự đoán thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay với sức tăng trưởng sẽ gấp đôi năm 2006, năm mà thị trường đã bùng nổ hơn 2,5 lần.

Theo dự báo, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2007 sẽ đạt khoảng 30% GDP. Một yếu tố khác cũng khá quan trọng là hôm nay (11/1) cũng chính là ngày Việt Nam chính thức gia nhập vào WTO.

Thêm vào đó, là hàng loạt các thông tin tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh 2006 của các công ty niêm yết với con số tăng trưởng cao đã làm thị trường tiếp tục “nhảy vọt”.

Theo kết quả thống kê từ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, cung và cầu cổ phiếu trong phiên này tăng mạnh so với phiên trước. Tổng cộng có gần 7,4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị đạt hơn 693 tỷ đồng.

Mặc dù giá trị giao dịch chỉ tăng nhẹ, nhưng khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng đã tăng gần 25% so với phiên trước. Số lượng cổ phiếu tăng giá và giảm giá trong phiên này gặp nhau ở con số 41 mã, nhưng những mã tăng giá phần lớn là những cổ phiếu tên tuổi, có số lượng giao dịch lớn nên đã đẩy thị trường vững tiến.

Đứng đầu thị trường về khối lượng khớp lệnh trong phiên này là cổ phiếu ITA của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo. Thông tin công ty này chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 5:1 đã khiến giao dịch của ITA tăng mạnh, đạt 718.250 cổ phiếu ở mức giá 103.000 đồng/cổ phiếu. ITA hiện có số vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ITA tăng lên 600 tỷ đồng.

Các “đại gia” khác như GMD, REE, SAM, VNM, VSH... tiếp tục tăng kịch trần giúp kéo thị trường lên đáng kể. Tăng mạnh nhất trong phiên này là SJS (+ 34.000 đồng/cổ phiếu, lên 728.000 đồng/cổ phiếu), trong khi đó GMD tăng lên 180.000 đồng/cổ phiếu; REE đạt 166.000 đồng, SAM đạt 201.000 đồng, VNM tăng lên mức 164.000 đồng và VSH lên mức 66.500 đồng. Đây là mức cao kỷ lục của các cổ phiếu này.

Hai CP bất động sản là TDH và HBC tiếp tục đứng trong nhóm các CP giảm giá trong phiên này. Giá của TDH mất đi 10.000 đồng xuống còn 190.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, HBC giảm sàn 4.500 đồng/cổ phiếu xuống 88.500 đồng/cổ phiếu với 15.180 cổ phiếu khớp lệnh. Với mức giá liên tục giảm, lượng chào bán và chào mua hai cổ phiếu này cũng giảm mạnh. TDH có 22.230 cổ phiếu khớp lệnh, còn HBC chỉ có 15.180 cổ phiếu khớp lệnh.

Thị trường trái phiếu trong phiên này cũng khá sôi động. Có hơn 3,3 triệu trái phiếu được chuyển nhượng, góp thêm cho thị trường 348,7 tỷ đồng. Giao dịch của chứng chỉ quỹ trong phiên này cũng khá sôi động. VF1 đạt 824.570 đơn vị VF1 và BF1 đạt 498.990 chứng chỉ BF1 được chuyển nhượng.

Sau khi giảm xuống đến mức thấp, giá BF1 đã đứng yên ở mức đóng cửa phiên trước: 13.200 đồng/chứng chỉ quỹ; trong khi đó VF1 giảm 600 đồng xuống còn 41.900 đồng/chứng chỉ quỹ. Giao dịch của 2 chứng chỉ quỹ này đã góp thêm cho thị trường gần 41 tỷ đồng. Với sự đóng góp mạnh mẽ của trái phiếu và CCQ đã nâng tổng giá trị giao dịch toàn thị trường phiên này đạt mức kỷ lục: hơn 1.184 tỷ đồng.