VN-Index tuần này: Thành bại tại FPT?
Kỳ vọng thị trường sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ ngắn hạn tại 1.250 điểm với áp lực giảm điểm có khả năng sẽ hình thành tại FPT do ảnh hưởng bởi tâm lý có phần bi quan xoay quanh các cổ phiếu công nghệ tại Mỹ đang chịu áp lực bán tháo...
Chứng khoán Mỹ kép lại một tuần giao dịch đầy biến động, từ cú sốc mang tên DeepSeek cho đến mối lo về thuế quan và báo cáo tài chính của các công ty niêm yết khiến các chỉ số như S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 1% và 1,6% trong khi Dow Jones giằng co và chỉ nhích nhẹ 0,3%, bên cạnh đó cổ phiếu Nvidia giảm khoảng 16% cả tuần.
Giới đầu tư lo ngại thế giới sắp bước vào một cuộc chiến tranh thương mại mới, với các hàng rào thuế quan dâng cao và áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu đã đẩy giá vàng liên tiếp lập kỷ lục và chốt tuần ở trên ngưỡng 2.800 USD/oz. Đồng yên Nhật Bản cũng phát huy vai trò “hầm trú ẩn” trong bối cảnh mối lo ngại về thuế quan dâng cao.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất sau 3 lần giảm, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất lần thứ 5, ngân hàng Canada cắt giảm lãi suất lần thứ 6 liên tiếp. Kinh tế Mỹ giảm tốc nhưng còn vững, trong khi kinh tế châu Âu đuối sức rõ rệt và kinh tế Trung Quốc phát đi tín hiệu đáng lo ngại. Cũng trong tuần vừa qua, cuộc chiến thương mại đã chính thức bắt đầu khi Ông Trump áp thuế quan 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico và 10% lên hàng hóa từ Trung Quốc.
Thị trường trong nước tăng liền 2 tuần liên tiếp sau nhịp điều chỉnh về vùng 1.220 điểm, chốt tuần trước Tết nguyên Đán, chỉ số Vn-Index dừng ở 1.265,05 điểm. Một số nhóm cổ phiếu tăng một mạch 2 tuần liền như: Ngân hàng, chứng khoán, Bán lẻ, Logistics, Cao su tự nhiên, Viettel, Công nghệ… Với 2 tuần phục hồi trên diện rộng, khối ngoại cũng tranh thủ mua ròng ở 2 phiên cuối tuần lần lượt 169 tỷ đồng và 618 tỷ đồng, lũy kế cả tuần mua ròng 98 tỷ đồng.
Nhận định về triển vọng thị trường tuần này, Chứng khoán MBS cho rằng về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index đã lấy lại hơn 45 điểm trong 2 tuần vừa qua, vượt qua các ngưỡng trung bình quan trọng như MA50, MA100 và MA200 nhưng phía trước là mức cản nơi có mặt của trendline giảm giá kể từ tháng 10/2024.
Với mức thanh khoản ở tháng 1 vừa qua chỉ dao động ở vùng 12.000 – 13.000 tỷ đồng/phiên, xác suất để thị trường có phiên bùng nổ để vượt cản là thấp mặc dù đang có chuỗi tăng 2 tuần liên tiếp. Bên cạnh đó, với áp lực chốt lời cũng sẽ diễn ra sau 2 tuần cổ phiếu phục hồi trên diện rộng. Kịch bản cơ bản là chỉ số Vn-Index test lại vùng hỗ trợ 1.250 – 1.257 điểm, nơi có mặt của các đường trung bình quan trọng.
Trong khi đó, theo quan điểm của Mirae Asset, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và chinh phục vùng đỉnh gần nhất tại 1.280 điểm với động lực chính sẽ xoay quanh nhóm Ngân hàng và Bán lẻ.
Ở chiều ngược lại, các nhịp giảm điểm nhỏ sẽ là một yếu tố cần thiết giúp củng cố đà tăng trong trung hạn đối với chỉ số sàn HOSE.
Đối với kịch bản này, kỳ vọng thị trường sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ ngắn hạn tại 1.250 điểm với áp lực giảm điểm có khả năng sẽ hình thành tại FPT do ảnh hưởng bởi tâm lý có phần bi quan xoay quanh các cổ phiếu công nghệ tại Mỹ đang chịu áp lực bán tháo bởi sự xuất hiện của mô hình ngôn ngữ lớn Deepseek đến từ chi phí nghiên cứu và phát triển cực thấp so với chi phí đến từ các gã khổng lồ về trí tuệ nhân tạo (AI) như OpenAI và Meta.
Đồng thời khiến nhà đầu tư chất vấn về tính hiệu quả của các mô hình nghiên cứu AI truyền thống cùng các khoản đầu tư khổng lồ liên quan đến việc mua GPU từ NVIDIA.
Tương tự, Chứng khoán KBSV cho rằng việc hình thành nến giảm điểm khá đột ngột sau kỳ nghỉ lễ của VN-Index, bất chấp các phiên tăng tích cực trước đó, phản ánh những tác động mạnh mang tính ngoại biên. Mặc dù chỉ số đã có nỗ lực lấy lại một phần điểm số đã mất về cuối phiên nhưng về tổng thể vẫn cho thấy một phiên nghiêng về chiều hướng phân phối tiêu cực.
Thị trường tiếp tục chịu chi phối bởi xu hướng đi ngang chủ đạo cả trong ngắn và trung hạn nên diễn biến tăng giảm đan xen, phản ứng trái chiều tại các vùng kháng cự/hỗ trợ nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.