10:15 21/07/2024

VnDirect: Trong kịch bản xấu nhất, nếu vốn FII bị rút mạnh và Fed giảm lãi suất chậm, lãi suất điều hành có thể tăng

Thu Minh

Trong trường hợp xấu nhất, nếu dòng vốn FII tiếp tục bị rút mạnh và Fed cắt giảm lãi suất chậm hơn dự kiến (đợi đến cuộc họp tháng 11-12) thì khả năng tăng lãi suất điều hành vẫn cần được tính đến...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô vừa đưa ra, Chứng khoán VnDirect dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ vào năm 2024. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu ở mức 10-12% và vốn FDI thực hiện ở mức 6-8% vào năm 2024.

Dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh vào Q2/24 trước khi hạ nhiệt trong hai quý cuối năm. Vì giai đoạn từ T4-T6/2023 chứng kiến CPI theo tháng rất thấp chỉ -0,02%, làm khuyếch đại mức tăng CPI trong giai đoạn Q2/2024. Ngược lại, giai đoạn T7-T9/2023 chứng kiến CPI theo tháng cao hơn nhiều vào khoảng 0,81% nên CPI so với cùng kỳ năm nay sẽ khó đạt được mức cao tương tự. Do đó, CPI có thể giảm dần về mức 3,5-3,7% vào cuối năm 2024, từ mức 4,4% trong Q2/24.

Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu đến từ giá lợn hơi tăng cao; mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng; tỷ giá tăng cao gây áp lực lên giá nhập khẩu; và khả năng tăng giá điện. Do đó, VnDirect nâng dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2024 lên 3,8% từ mức 3,6% trước đó.

Tình hình lạm phát và thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt trong những tháng gần đây đang củng cố khả năng Fed sẽ hạ lãi suất điều hành vào nửa cuối năm 2024, dự kiến lần đầu tiên tại cuộc họp tháng 9.

Theo khảo sát của CME Group, thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất hai lần trong nửa cuối năm 2024. Động thái cắt giảm lãi suất của Fed trong nửa cuối năm nay sẽ làm suy yếu chỉ số đồng Dollar (DXY), thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ, qua đó giảm bớt áp lực lên thị trường ngoại hối Việt Nam.

Các yếu tố khác hỗ trợ VNĐ trong nửa cuối năm 2024 gồm: Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại cao trong năm 2024 mặc dù dự kiến sẽ thấp hơn mức kỷ lục của năm 2023, Việt Nam sẽ thu hút FDI ổn định trong nửa cuối năm với triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện, và Dòng kiều hối mạnh mẽ, đặc biệt trong Q4.

Cũng theo VnDirect, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài bao gồm sự phục hồi của các đơn hàng xuất khẩu và dòng vốn FDI. Các động lực tăng trưởng trong nước như tiêu dùng và đầu tư tư nhân vẫn còn yếu và mới chỉ bắt đầu phục hồi. Điều này được thể hiện rõ qua số liệu về doanh số bán lẻ thấp hơn kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng chậm trong Q1/24 và số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024.

Việc tăng lãi suất điều hành có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân, vốn gặp nhiều khó khăn trong 2 năm qua.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ ưu tiên các giải pháp hiện tại như: quản lý cung tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để từng bước thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD; mở rộng biên độ tỷ giá hối đoái; can thiệp bằng việc bán ngoại tệ.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, nếu dòng vốn FII tiếp tục bị rút mạnh và Fed cắt giảm lãi suất chậm hơn dự kiến (đợi đến cuộc họp tháng 11-12) thì khả năng tăng lãi suất điều hành vẫn cần được tính đến.

Trước đó, KBSV cũng đưa ra nhận định Ngân hàng Nhà nước vẫn phải đối diện với áp lực về tỷ giá trong nửa cuối năm 2024.

Nguyên nhân là sức mạnh của đồng USD được dự báo sẽ duy trì bởi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác vẫn cao do Fed cắt lãi suất chậm hơn và ít hơn các NHTW khác; nhiều nhà kinh tế cho rằng nếu Trump thắng cử trong cuộc bầu cửTổng thống Mỹ sắp tới sẽ khiến lạm phát tăng trở lại, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed. Và rủi ro địa chính trị kéo dài dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn.

Dựa trên triển vọng này, KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể phải tiếp tục tiêu hao dự trữ ngoại hối nếu muốn kiềm giữ tỷ giá. Do dự trữ ngoại hối của Việt Nam hạn hẹp trong khi nhu cầu đối với đồng USD thường tăng trong giai đoạn gần cuối năm. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro việc tiêu hao dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước không đạt được mục đích kiềm chế đà tăng của tỷ giá.

Như vậy, giải pháp sắp tới có thể là Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng tiếp lãi suất trên thị trường mở để thu hẹp chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng, mức tăng kỳ vọng là 25-50 điểm cơ bản. Hiện tại, lãi suất phát hành tín phiếu và cầm cố trên thị trường mở đều là 4,5%/năm, tương đương với lãi suất tái cấp vốn. Do đó, trong kịch bản không cầm cự được tiếp với dự trữ ngoại hối, Ngân hàng. Nhà nước sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 25-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2024.