15:38 02/07/2016

VNG tính bán điện thoại, sản xuất đồ điện tử?

Thủy Diệu

VNG vừa mở rộng thêm các ngành nghề mới, khác hẳn với lĩnh vực cốt lõi của công ty hiện nay

Các ngành nghề mới mà công ty VNG đăng ký gồm sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; sản xuất thiết bị truyền thông; sản xuất đồ điện dân dụng; bán lẻ thiết bị viễn thông...
Các ngành nghề mới mà công ty VNG đăng ký gồm sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; sản xuất thiết bị truyền thông; sản xuất đồ điện dân dụng; bán lẻ thiết bị viễn thông...
Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần VNG chiều ngày 30/62016 đã thông qua việc mở rộng thêm các ngành nghề mới, khác hẳn với lĩnh vực cốt lõi của VNG hiện nay là Internet (phần mềm) và phát hành game.

Cụ thể, các ngành nghề mới mà VNG đăng ký gồm: sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; sản xuất thiết bị truyền thông; sản xuất đồ điện dân dụng. 

VNG cũng bổ sung thêm ngành bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh; bán lẻ thiết bị nghe nhìn trong các cửa hàng chuyên doanh; bán lẻ đồ điện gia dụng, giường, tủ, bàn, ghế và đồ nội thất tương tự trong các cửa hàng chuyên doanh.

Tờ trình của VNG cho biết, việc bổ sung này là do sự phát triển của VNG trong lĩnh vực ngành nghề mới.

Theo một đại diện của VNG, việc đăng ký kinh doanh lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử chủ yếu là để phục vụ cho các sản phẩm của công ty, bởi hiện VNG đang có bộ phận làm phần mềm quản lý phòng máy CSM (dùng cho các đại lý kinh doanh Internet, game), việc sản xuất phần cứng nhằm cung cấp phần cứng chạy CSM.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mảng game - lĩnh vực kinh doanh chính và đem lại doanh thu tới 70-80% cho VNG - đang có những khó khăn nhất định, việc mở rộng sang các ngành nghề mới có thể xem là hướng đi mới để công ty duy trì và mở rộng tăng trưởng.

Hồi giữa tháng 5 vừa qua, VNG cũng đã công bố hoàn tất thương vụ mua 38% cổ phần Công ty Cổ phần Ti Ki - đơn vị chủ quản trang thương mại điện tử Tiki.vn, với số tiền tương ứng khoảng 383 tỷ đồng, tương đương với việc VNG sở hữu 3.716.187 cổ phiếu Tiki. Theo đó, giá mua vào khoảng 103.000 đồng/cổ phần, gấp hơn 10 lần so với mệnh giá.