VNM phá đáy!
Blue-chips “thê thảm” nhất trong phiên tăng hôm nay chính là VNM. Sau bao ngày chịu đựng, dường như nhà đầu tư đã phải cắt lỗ khi VNM thủng đáy 8 tháng và thanh khoản tăng gấp đôi hôm qua...
Tính theo giá đóng cửa thì hôm qua VNM rơi xuống 95.700 đồng, trong khi đáy 8 tháng có được là hôm 28/1 với mức 96.100 đồng. Về lý như vậy VNM đã thủng đáy từ hôm qua. Tuy vậy mức giá thấp nhất trong năm nay mà VNM từng chạm tới vào đảo chiều hồi lên là 95.000 đồng. Vì vậy hôm nay VNM mới chính thức thủng, khi đóng cửa còn 93.700 đồng.
Hôm nay thị trường phục hồi trên diện khá rộng, nên VNM vẫn cố gắng trụ lại ở mức đáy 95.000 đồng đến tận đầu phiên chiều. Tuy nhiên sau giờ trưa, có thể đã có nhà đầu tư bị gọi điện cảnh báo về margin, áp lực bán tăng mạnh sau đó đẩy VNM lao dốc liên tục. Cổ phiếu này đóng cửa giảm 2,09%, là mức giảm trong một ngày mạnh nhất kể từ phiên 8/2 vừa qua. Khối lượng khớp lệnh của VNM cũng tăng vọt lên hơn 5,02 triệu cổ, tăng 60% so với hôm qua.
Nếu có blue-chips nào gây thất vọng nhất cho cổ đông từ đầu năm đến giờ thì cũng là VNM. Thông tin từ đại hội cổ đông không đem lại kỳ vọng gì hơn. Từ sau đại hội, giá VNM đã giảm hơn 5% giá trị. Từ đỉnh đầu tháng 4 đến hôm nay giá giảm 8,8%, từ đỉnh đầu tháng 1/2021 giá giảm 19,4%. Kể cả khi nắm giữ ngắn hạn hay trung hạn, VNM đều gây thua lỗ ít nhiều cho cổ đông.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ra ròng rã ở VNM và là một trong những sức ép quan trọng khiến cổ phiếu này phá đáy. Hôm nay tổng lượng bán của khối ngoại chiếm trên 45% thanh khoản và mức bán ròng gần 69 tỷ đồng.
Nhóm blue-chips cũng có một số cổ phiếu rất yếu giống VNM, nhưng ít tệ hơn. BID là ví dụ, từ đỉnh đầu tháng 4 tới giờ giảm hơn 11% nhưng ít nhất vẫn chưa phá đáy 2021. GAS từ đầu tháng 4 cũng giảm 8,7%, PLX giảm 9,3%...
Tuy nhiên, cũng có không ít cổ phiếu đi ngược dòng toàn thị trường, thậm chí phá đỉnh lịch sử. NVL là cổ phiếu xuất sắc nhất hôm nay, tuy là mã vốn hóa tầm trung nhưng mức tăng 5,35% đưa cổ phiếu này lên ví trí dẫn đầu kéo VN-Index tới hơn 2,5 điểm. NVL cũng tăng thần tốc 3 phiên trở lại đây với gần 20%. Tính từ đầu tháng 4 thì NVL cũng là mã mạnh nhất, tăng 59% giá trị. Cổ phiếu này đang “không có đỉnh”.
VPB cũng là mã ấn tượng trong nhóm ngân hàng đang trên đường đi tìm đỉnh mới. VPB hôm nay tăng 3,38%, cũng mạnh nhất nhóm.
Thị trường phục hồi khá tốt hôm nay dù không có được sức mạnh rõ rệt nào từ nhóm trụ. VCB tham chiếu, VHM tăng 0,9% trong khi VIC, VNM giảm. Tuy nhiên số lượng đã bù lại. Nhóm Vn30 có 21 mã tăng/7 mã giảm, đẩy chỉ số của rổ tăng 0,8%. VN-Index cũng hưởng lợi ít nhiều, tăng 0,8%, tương đương 9,8 điểm. Độ rộng của sàn HSX cũng tích cực khi số tăng gấp đôi số giảm.
Tăng khỏe nhất là các mã vừa và nhỏ. Dòng tiền không dịch chuyển rõ rệt sang hai nhóm này khi thanh khoản vẫn không tăng. Số lượng kịch trần ở nhóm Smallcap là 13 mã và Midcap là 3 mã, cũng không phải là nhiều. HAX, CRE, TTF, AMD, HAH, FTM, DAH, TSC là các mã nhỏ thanh khoản khá cao ở giá kịch trần.
Dòng tiền phiên này gia tăng nhờ sức hút từ cổ phiếu ngân hàng, trong đó nổi bật là STB. Cổ phiếu này giao dịch gấp rưỡi hôm qua với 71,1 triệu cổ trị giá 1.704 tỷ đồng, cao nhất thị trường. VPB cũng thanh khoản tới 17,7 triệu cổ phiếu tương đương 952 tỷ đồng. Nhờ các mã thanh khoản lớn, tổng giá trị khớp sàn HSX tăng khoảng 9%, đạt 14.247 tỷ đồng bao gồm cả mức tăng của giá (khối lượng tăng khoảng 8%). Thanh khoản của nhóm VN30 tăng 16,3% trong khi Midcap đứng im, Smallcap tăng 13,4%.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng khá ấn tượng 392,9 tỷ đồng trên sàn HSX. Hôm qua mức giải ngân ròng là 389 tỷ đồng với cổ phiếu và hơn 13 tỷ đồng với chứng chỉ quỹ. Lần đầu tiên trong tháng 4 khối ngoại mới có 2 phiên mua ròng liên tiếp. VHM, STB, MSN là 3 mã được mua ròng tốt nhất, đều trên 100 tỷ đồng mỗi mã. NVL, HDB, VIC, PNJ cũng được mua ròng nhiều. Phía bán ròng có VNM, VRE, HPG, VPB đều trên 40 tỷ đồng. HSG, CTG, MBB, KDH cũng bị bán ròng khá lớn.