22:00 26/09/2022

Vốn FDI đăng ký mới 9 tháng vẫn giảm, chưa phục hồi hoàn toàn

Anh Nhi

Xu hướng giảm trong đăng ký mới và tăng trong điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại tiếp tục được ghi nhận trong báo cáo thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng…

Số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 3 điểm phần trăm so với 8 tháng.

Trong đó, có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 11,8% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt 7,12 tỷ USD (giảm 43% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, có 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8,3 tỷ USD (tăng 29,9% so với cùng kỳ); 2.697 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 4,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 3,28 tỷ USD (tăng 1,9% so với cùng kỳ).

Nhận định về con số này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và những biến động khó lường của thế giới trong thời gian gần đây, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đã tiếp tục tăng, lần lượt là 29,9% và 1,9%.

Theo các chuyên gia, có một điểm cần lưu ý là nếu so với con số tăng trưởng vài chục phần trăm trong các tháng trước, đà tăng của vốn điều chỉnh và vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chững lại trong giai đoạn gần đây. Trong khi đó, đà suy giảm của dòng vốn đăng ký mới lại rõ nét hơn.

Cơ cấu vốn FDI 9 tháng đầu năm 2022.
Cơ cấu vốn FDI 9 tháng đầu năm 2022.

Trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ với vốn đăng ký đạt lần lượt 676,9 triệu USD và 617,9 triệu USD.

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,7% và 15,9% tổng số dự án.

Cũng trong 9 tháng, đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,75 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3,8 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư, giảm 2,38% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,9 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư.

TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,96 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2021.Tiếp đến là Bình Dương với tổng vốn đầu tư trên 2,7 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn, tăng trên 58% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,78 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn và tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tính lũy kế đến ngày 20/9/2022, cả nước có 35.725 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 431,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 267 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.