16:45 12/07/2010

Vốn FII vào chứng khoán giảm mạnh so với cách đây 3 năm

Minh Đức

Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) ở thị trường chứng khoán Việt Nam còn khoảng 7 tỷ USD, sau khi từng tăng cao trong năm 2007

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trên đường tìm lại thủa hoàng kim như thời kỳ 2006 - 2007.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trên đường tìm lại thủa hoàng kim như thời kỳ 2006 - 2007.
Năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam có khoảng 11 - 12 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), nhưng nay, con số đó hiện còn khoảng 7 tỷ USD.

Đó là con số mà Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng, đưa ra khi trao đổi với báo chí hôm 11/7.

Sự sụt giảm đó được giải thích chủ yếu từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu trong năm 2008 tới nền kinh tế Việt Nam; bản thân thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông Vũ Bằng, cũng gặp khủng hoảng.

Điển hình trong năm đặc biệt đó, thị trường đón nhận hoạt động bán tháo trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn đảo chiều. Cũng chính hoạt động đó đã tạo nên một cơ hội hiếm thấy, khi nhiều tổ chức trong nước đón một “mùa vàng” trái phiếu, khi lợi suất sau đó đạt tới trên 20% đi cùng với những con số hấp dẫn trong báo cáo tài chính cuối năm, đặc biệt là ở các ngân hàng thương mại.

Sự đảo chiều của dòng vốn FII còn tiếp tục thể hiện trong nửa đầu năm 2009 với khoản thâm hụt 492 triệu USD, căn cứ theo dữ liệu trong bài viết mới đây của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Dự báo - Thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước).

Nhưng nay, dòng vốn đó đang trở lại. Cũng theo số liệu từ bài viết của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, tính chung 6 tháng đầu năm 2010, vốn FII ròng đạt mức thặng dư 1,8 tỷ USD. Một phần của nguồn thặng dư lớn này là từ kết quả phát hành 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế (theo phương pháp luận thống kê cán cân thanh toán quốc tế giao dịch này phải được thống kê vào hạng mục FII thay vì vay nợ của Chính phủ).

Và nếu loại trừ phát hành trái phiếu của Chính phủ thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 800 triệu USD (bao gồm cả thị trường OTC), trong đó quý 1/2010 là 290 triệu USD.

Về diễn biến dòng vốn FII vào chứng khoán thời gian tới, sự chú ý của giới đầu tư hiện nay là khả năng thoái vốn của của một số quỹ đầu tư nước ngoài, như trường hợp của VEIL do Dragon Capital hay trước đó là trường hợp của Indochina Capital.

Tuy nhiên, ông Vũ Bằng cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy từ tháng 3 đến nay chúng ta xử lý các vấn đề lạm phát, lãi suất, tỷ giá… là quyết liệt và đồng bộ. Thế giới nhiều khó khăn, chúng ta vẫn phát triển. Trong sự phát triển đó, sự ra đi của một số quỹ có thể có những tác động ngắn hạn, nếu có cũng không tác động lớn. Câu chuyện là chúng ta cũng đã thấy từ bài học trái phiếu như trong năm 2008. Cho nên không quá hoang mang”.

Mặt khác, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết, khi có khó khăn của nền kinh tế, dòng vốn đảo chiều thì Việt Nam sẽ đưa ra những phương án để chủ động đối phó. “Chúng tôi cũng đã trình đề án chống khủng hoảng và dự án về quản lý vốn đầu tư gián tiếp mà Chính phủ sắp thông qua; trong đó dự phòng các giải pháp ứng xử thích hợp. Còn trong quá trình vận hành thì chúng ta vẫn tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy để dòng vốn này phát triển hơn”, ông Bằng cho biết thêm.

Ngoài ra, ông Vũ Bằng cho biết “chúng tôi vẫn lạc quan về dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, về tiềm năng và triển vọng phát triển của Việt Nam”.

Theo phân tích của ông, tiềm năng của thị trường trong tương lai rất lớn. Thị trường chứng khoán Việt Nam mới khởi động trong 10 năm; những cái tiến về cơ chế và chính sách đã và đang tiếp tục được thực hiện; kế hoạch cổ phần hóa đã đi được một chặng đường; nhưng còn nhiều doanh nghiệp lớn chờ cổ phần hóa trong tương lai. Đây cũng là một tiềm năng mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Về chủ trương, khẳng định Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đưa ra là Việt Nam tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ để thu hút dòng vốn FII; minh bạch hóa và thông tin cụ thể hơn về vấn đề này. Và sắp tới, Ủy ban sẽ mở rộng thêm quỹ mở, quỹ bất động sản… để tạo thêm điều kiện cho dòng vốn đó hoạt động.

Cũng với chủ trương trên, ông Vũ Bằng lưu ý, trong khoảng 10 quỹ đầu tiên vào Việt Nam đến năm 1995, đã có nhiều thành viên sau đó ra đi; thế nhưng, có những quỹ cũng đã trở lại bởi họ thấy tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam.