16:51 15/02/2022

Vốn hoá công ty mẹ Shopee “bốc hơi” hơn 16 tỷ USD trong một ngày vì lệnh cấm đột ngột của Ấn Độ

An Huy

Nhà đầu tư đang lo ngại rằng lệnh cấm trên mới chỉ là sự khởi đầu cho loạt rắc rối mà Sea có thể phải đương đầu...

Nhà đồng sáng lập Forrest Li của Sea - Ảnh: Bloomberg.
Nhà đồng sáng lập Forrest Li của Sea - Ảnh: Bloomberg.

Sea Ltd., công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee, mất hơn 16 tỷ USD vốn hoá chỉ trong vòng một ngày, sau khi Ấn Độ bất ngờ cấm trò chơi điện tử (game) ăn khách nhất của công ty này. Nhà đầu tư đang lo ngại rằng lệnh cấm trên mới chỉ là sự khởi đầu cho loạt rắc rối mà Sea có thể phải đương đầu.

Trong phiên giao dịch ngày 14/2 tại thị trường New York, cổ phiếu Sea niêm yết trên NYSE sụt 18,4%, còn 129,17 USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường của công ty giảm còn 71,6 tỷ USD, từ mức gần 88 tỷ USD trước đó.

Sea, công ty có trụ sở ở Singapore, lên sàn chứng khoán vào năm 2017 và nhanh chóng trở thành doanh nghiệp đại chúng đắt giá nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nhà đầu tư đặt cược vào tiềm năng phát triển của Sea trong các lĩnh vực game, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính tại các thị trường nước ngoài.

Theo hãng tin Bloomberg, việc New Delhi ban lệnh cấm đối với Free Fire, một tựa game mang lại lợi nhuận lớn cho Sea, cho thấy những thách thức Sea phải đối mặt do căng thẳng địa chính trị, cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ những đối thủ như sàn thương mại điện tử Lazada của Alibaba.

Trong vòng 2 năm qua, Ấn Độ đã cấm hàng trăm ứng dụng Trung Quốc, nhưng việc áp lệnh cấm đối với Sea đã khiến giới đầu tư bất ngờ. Sea được sáng lập bởi Forrest Li, một người sinh ra ở Trung Quốc nhưng hiện mang quốc tịch Singapore. Cổ đông lớn nhất của Sea là Tencent Holdings Ltd., “đế chế” mạng xã hội của Trung Quốc.

Nhà đầu tư đang lo ngại rằng Ấn Độ còn có thể cấm cả Shopee, trụ cột thứ hai của Sea. Shopee hiện có khoảng 300 nhân viên và 20.000 nhà bán hàng tại Ấn Độ. Ngày 14/2, ông Li trấn an cổ đông tại cuộc họp cổ đông thường niên rằng công ty kiểm soát được tình hình, nhưng không bình luận gì về lệnh cấm của Ấn Độ đối với Free Fire.

Tuy nhiên, thị trường không tin những gì ông nói. Phiên giảm 18% ngày 14/2 nâng tổng mức giảm của cổ phiếu Sea từ tháng 10 đến nay lên 2/3.

“Sea là một công ty Singapore và chúng tôi muốn trở thành một đối tác trong sứ mệnh nền kinh tế số của Ấn Độ”, Sea nói trong một tuyên bố trả lời các câu hỏi của Bloomberg. “Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của người dùng tại Ấn Độ và trên toàn cầu, chúng tôi tuân thủ luật pháp và các quy định của Ấn Độ, và chúng tôi không chuyển tới hay lưu trữ ở Trung Quốc bất kỳ dữ liệu nào của người dùng ở Ấn Độ”.

Free Fire là tựa game di động có doanh thu cao nhất ở Ấn Độ trong quý 3/2021, theo dữ liệu từ App Annie. Sea là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất ở Đông Nam Á, một “đế chế” bán lẻ và giải trí trực tuyến với khoảng 10 tỷ USD doanh thu hàng năm.

Câu hỏi lớn nhất mà giới đầu tư đặt ra lúc này là liệu Sea có thể kháng cáo lệnh cấm của Ấn Độ và đảo ngược lệnh cấm đó. Và nếu Sea không làm được việc đó, liệu lệnh cấm có mở rộng sang các mảng kinh doanh khác của Sea ở Ấn Độ - nền kinh tế Internet đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới?

Diễn biến giá cổ phiếu Sea từ giữa năm 2021 đến nay - Đơn vị: USD/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu Sea từ giữa năm 2021 đến nay - Đơn vị: USD/cổ phiếu.

Trên thực tế, Ấn Độ không có căn cứ xác đáng để nhằm vào Sea. Về mặt chính thức, Sea là một doanh nghiệp Singapore, đăng ký kinh doanh và có phần lớn nhân viên đặt ở nước này. Cả ông Li và các cấp dưới thân cận của ông đều hoạt động ở văn phòng tại Singapore.  

Tuy nhiên, mối liên hệ giữa Sea với Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ. Được thành lập vào năm 2009 bởi ông Li, Gang Ye và David Chen – đại đa số các nhà điều hành cấp cao của công ty là những người đến từ Trung Quốc hoặc có mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc.

Tencent, cổ đông chính và lâu năm của Sea, đang nằm trong diện rà soát về vấn đề an ninh quốc gia ở Mỹ. Tháng trước, Tencent để lộ kế hoạch bán 3 tỷ USD cổ phiếu Sea để giảm cổ phần về 18,7% từ 20%, đồng thời giảm quyền biểu quyết xuống còn dưới 1/10.

Một số nhà phân tích xem động thái đó là một nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề về nguồn gốc của Sea và những người nắm quyền ra quyết định ở Sea. Tuy nhiên, ngoài vấn đề đó, việc Tencent dần rút lui cũng là một mất mát có thể rất lớn đối với Sea, bởi chính sự hậu thuẫn của Tencent là một nguồn động lực cho sự nổi lên của Sea trong những năm gần đây, đưa Sea trở thành một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất thế giới.