Vốn ngoại đột ngột mua ròng trở lại, tín hiệu có bền vững?
Có nhiều lý do để giải thích tình trạng khối ngoại chấm dứt chuỗi ngày miệt mài bán ròng và quay đầu mua mạnh. Tuy nhiên trong quá khứ gần, thay đổi ở một thời điểm chưa chắc đã là tín hiệu của một xu hướng bền vững...
Mặc dù giá trị giao dịch của khối ngoại ngày càng lép vế so với dòng tiền trong nước nhưng giao dịch của khối này vẫn ít nhiều ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư…
Ngược chiều với sự sôi động của dòng tiền đầu tư trong nước khi VN-Index từng bước chinh phục đỉnh lịch sử, khối ngoại vẫn xả ròng suốt từ đầu năm. Thống kê của VnEconomy cho thấy, riêng tháng 6, khối ngoại bán ròng 4.195 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE, luỹ kế 6 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng gần 29.800 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở các cổ phiếu như HPG, VNM, CTG, VPB, MBB.
Tuy nhiên, xu hướng bán ròng của khối ngoại đã trở nên tích cực hơn kể từ 3 tuần sau của tháng 6. Kể từ 10/6 đến 30/6, khối ngoại mua ròng trên HOSE 1.893 tỷ đồng, giúp cho khối lượng bán ròng của quý 6 thấp hơn rất nhiều so với kỷ lục tháng 5 là hơn 23.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ đầu tháng 7 đến nay, sau 5 phiên khối ngoại đã mua ròng 3.766 tỷ đồng chứng khoán Việt Nam với nhiều phiên đảo chiều mua mạnh như phiên 2/7 khối ngoại mua ròng 2.138 tỷ đồng; phiên 6/7 mua ròng 46 tỷ đồng. Riêng phiên 7/7, khối ngoại mua ròng gần 2.100 tỷ đồng trên HOSE trong phiên chiếm đến 50% giá trị bán ròng của khối này trong tháng 6, trong đó gần 1.600 tỷ đồng mua ròng ở nhóm VN30.
Có nhiều lý do để giải thích tình trạng khối ngoại chấm dứt chuỗi ngày miệt mài bán ròng quay đầu mua mạnh, trong đó định giá thị trường Việt Nam được đánh giá hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực.
Theo thống kê của VnDirect, tại ngày 21/06/2021, chỉ số Vn-Index đang được giao dịch tại mức P/E 18,8 lần, nhỉnh hơn so với mức P/E bình quân 5 năm là 16,5 lần, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức P/E 22,0 lần tại đỉnh năm 2018. Nhờ xu hướng tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021, mức P/E dự phóng 2021 của chỉ số Vn-Index hiện ở mức 16,5 lần, là mức tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của khu vực.
Xét trên góc độ tăng trưởng lợi nhuận và định giá thị trường, Việt Nam, Singapore và Indonesia nổi lên là những thị trường có định giá hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023.
Định giá của thị trường được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Dựa trên việc lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng trưởng rất ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021, VnDirect đã nâng dự báo tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 lên mức 30%, từ dự báo trước đó là 23%.
Riêng nhóm VN30 khối ngoại mua ròng nhiều nhất. Theo FiinGroup, VN30 đang có mức định giá hấp dẫn hơn đáng kể so với bình quân của cả thị trường. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 dự kiến sẽ tăng mạnh từ mức thấp kỷ lục trong năm 2020, dự kiến đạt 19,0%. Trong đó, khối doanh nghiệp phi tài chính trong VN30 dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng 19,4% so với cùng kỳ còn khối Tài chính bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán ở mức 18,6%.EPS nhóm VN30 được Mirae Asset dự báo tăng trưởng 25-30%, giữ xu thế tích cực cho chứng khoán Việt Nam từ nay cuối năm.
Với nhóm ngân hàng, tiếp đà tăng của quý 1/2021, lợi nhuận được dự báo tăng trưởng bứt phá trong quý 2/2021. Hiện có 11 ngân hàng niêm yết được dự báo lợi nhuận quý 2 tăng mạnh, nhất là MSB với mức tăng 141%, ACB và VIB, TCB tăng 58%, TPB tăng 54%…
Về bản chất, khối ngoại bán ròng nhưng không rút ròng, tức là vẫn duy trì tiền tại thị trường Việt Nam, chờ cơ hội để giải ngân. Theo thông tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, giá trị danh mục của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là 49,5 tỷ USD.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng, nếu như trước kia, sự cố lỗi hệ thống tại HOSE khiến tình trạng mua bán mù mịt nhà đầu tư ngoại e ngại thì bây giờ những yếu tố rủi ro về kỹ thuật cơ bản được HOSE xử lý triệt để. Từ ngày 5/7, hệ thống giao dịch mới được đưa vào vận hành, tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết với công suất lên đến 3-5 triệu lệnh một ngày, cùng với định giá hấp dẫn, giúp cho chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, động thái mua ròng của khối ngoại trong những ngày gần đây còn đến từ việc quỹ đến từ Đài Loan Fubon FTSE Vietnam ETF hút ròng tổng cộng 37,6 triệu USD, tương đương 872 tỷ đồng và toàn bộ số tiền này được giải ngân vào cổ phiếu Việt Nam.
Theo tìm hiểu, Fubon FTSE Vietnam ETF là quỹ ETF tới từ Đài Loan, được thành lập từ tháng 3/2021. Quỹ sử dụng chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index, gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại). Tại ngày 30/6, HPG là cổ phiếu lớn nhất rổ FTSE Vietnam 30 Index với tỷ trọng 12,32%, xếp tiếp theo lần lượt là VHM (9,72%), NVL (9,44%), MSN (9,26%), VIC (9,25%), VNM (7,28%), VRE (5,56%), VCB (5,36%), SSI (4,03%), PDR (3,5%)… Trong phiên 7/7, khối ngoại tập trung mua ròng các cổ phiếu trên.
Fubon FTSE Vietnam ETF đánh giá việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thu hút đầu tư nước ngoài khả quan cũng như nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam sẽ giúp dòng vốn tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán.
Ông Lê Quang Minh cho rằng, xu hướng khối ngoại quay lại mua ròng chứng khoán Việt Nam chỉ là câu chuyện sớm hay muộn. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường Việt Nam qua ETF ngày càng lớn hơn, đây là hình thức đầu tư đơn giản. Với yếu tố nội tại tích cực, tình hình vĩ mô tốt, dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục tích cực trong thời gian tới.
Theo thống kê của SSI Research, 6 tháng đầu năm 2021, các quỹ ETF hút ròng tới 590 triệu USD, cao gấp 2,6 lần lượng vốn ETF vào cả năm 2020, trong đó riêng quỹ Fubon là khoảng 340 triệu USD. Nhờ vậy, dòng vốn ngoại 6 tháng đầu năm vẫn vào 410 triệu USD và đóng góp vào mức tăng trưởng 27,6% của chỉ số chứng khoán.
Trong những ngày đầu tháng 7, tiếp tục ghi nhận xu hướng tích cực ở các quỹ VFM VN30, VFM VNDiamond và Fubon mua ròng trở lại. Bên cạnh đó, quỹ Asian Growth CUBS ETF mới được thành lập trong tháng 6 cũng được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn trong thời gian tới, tuy nhiên quy mô quỹ còn nhỏ (2 triệu USD) và chỉ khoảng 27% tổng tài sản của quỹ được phân bổ vào thị trường Việt Nam.