Vốn nội trỗi dậy, 130 mã kịch trần, VN-Index xóa sạch tháng 11 đau thương
Khối ngoại giải ngân trên HoSE sáng nay còn cao hơn sáng hôm qua, nhưng tỷ trọng trong tổng giao dịch lại giảm, đồng thời thanh khoản sàn này gần 25%. Điều đó nghĩa là dòng vốn của nhà đầu tư trong nước đã mạnh lên...
Khối ngoại giải ngân trên HoSE sáng nay còn cao hơn sáng hôm qua, nhưng tỷ trọng trong tổng giao dịch lại giảm, đồng thời thanh khoản sàn này gần 25%. Điều đó nghĩa là dòng vốn của nhà đầu tư trong nước đã mạnh lên.
VN-Index tăng tốc mạnh mẽ về cuối phiên, đang chốt trên tham chiếu 11,23 điểm tương đương 1,07%. Chỉ số lên cao nhất 1.066,28 điểm trước khi tụt nhẹ xuống 1.059,63 điểm. Như vậy thị trường đã xóa sạch mức giảm của tháng 11 vừa qua.
Dòng tiền từ khối ngoại vẫn đang là lực cầu mạnh mẽ và mua quyết liệt, nhất là với các blue-chips. Tuy vậy tổng thể dòng tiền này đã giảm thị phần, khi nhà đầu tư trong nước bắt đầu giao dịch nhiều hơn. Sáng nay tổng giá trị mua vào của khối ngoại tại HoSE là 1.177,3 tỷ đồng, còn chiếm 12,9% tổng giá trị sàn này. Trong rổ VN30, quy mô mua vào đạt 817,6 tỷ đồng, chiếm 17,8%.
Như vậy so với sáng hôm qua khối ngoại mua ở HoSE tăng hơn 100 tỷ đồng trong khi giá trị khớp lệnh tuyệt đối ở sàn này tăng 1.744 tỷ đồng, tương đương gần 25%. Phần tăng này chính là dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Thanh khoản trong rổ VN30 cũng đang tăng 76% với con số tuyệt đối gần 1.990 tỷ đồng.
Dù vậy, những cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường sáng nay vẫn có dấu ấn cầu ngoại. Chẳng hạn HPG khớp gần 39 triệu cổ tương ứng 751,2 tỷ đồng, lượng mua từ khối ngoại đóng góp 24,2%. Giá trị mua ròng với HPG khoảng 146,5 tỷ đồng. STB khớp 18,44 triệu cổ trị giá 378,5 tỷ đồng, khối ngoại mua 44,2%, giá trị ròng 145,8 tỷ đồng. SSI thanh khoản 16,4 triệu cổ trị giá 317,4 tỷ đồng, khối ngoại mua chiếm gần 17%, giá trị mua ròng 44,9 tỷ...
Tuy nhiên nhiều cổ phiếu thanh khoản lớn như NVL, SHB, VND, MBB, VPB, TCB có tỷ trọng mua của khối ngoại rất nhỏ, thậm chí là không có.
Rất có thể đà tăng của thị trường đã thuyết phục được nhà đầu tư trong nước xuống tiền mạnh hơn. Sáng nay đã là phiên tăng thứ 6 liên tiếp và nhịp tăng thứ 2 kể từ đáy đã giúp thị trường đi lên hơn 12%.
Độ rộng của VN-Index chốt phiên sáng ghi nhận 365 mã tăng/90 mã giảm, trong đó 61 mã kịch trần và 180 mã tăng trên 1%. Nhóm bất động sản, chứng khoán tiếp tục có rất nhiều cổ phiếu tăng hết biên độ.
VN30-Index đang tăng 1,4% với 22 mã tăng/8 mã giảm và toàn bộ 10 cổ phiếu kéo VN-Index khỏe nhất đều thuộc rổ này. Dẫn đầu là HPG đang tăng 5,98%, VHM tăng 2,2%, TCB tăng 5,6%, GVR tăng trần 6,69%, MBB tăng 4,6%, NVL tăng 6,85%, VPB tăng 1,79%... Điều đáng tiếc là 8 cổ phiếu giảm giá ở rổ này có MSN giảm 2,45%, VIC giảm 2,16%, VRE giảm 1,64%, VNM giảm 1,21%, SAB giảm 1,28%, VCB giảm 1,11%.
Việc các trụ lớn giằng co kiềm chế lẫn nhau có tác dụng hạ nhiệt chỉ số khá hiệu quả, trong khi rất nhiều cổ phiếu khác tăng nóng. Diễn biến này thậm chí là điều kiện hỗ trợ để biên độ tăng với cổ phiếu tốt hơn, vì đa số nhà đầu tư vẫn “đo nhiệt độ” thị trường bằng VN-Index.
Thanh khoản duy trì mức cao liên tục từ đầu tuần đến nay hứa hẹn giao dịch sôi động vì khối lượng cổ phiếu về tài khoản qua các vòng sẽ ngày một nhiều. Tuy nhiên khi dòng vốn trong nước cũng phục hồi, kết hợp với vốn ngoại mua mạnh liên tục, sẽ là lực đỡ kịp thời.
Tín hiệu giảm tốc tăng lãi suất của FED từ tháng 12 đang tạo điểm tựa tâm lý tích cực cho thị trường. Dù lãi suất sẽ vẫn tăng nhưng áp lực từ bên ngoài lên thị trường trong nước đã đạt đỉnh. Tỷ giá tiếp tục nguội đi kết hợp với sự giảm tốc của FED giải tỏa những nỗi lo cuối cùng của năm 2022.