15:40 15/06/2011

Vốn ODA Nhật tiếp tục vào đường cao tốc Việt Nam

Anh Quân

Việt Nam và Nhật Bản ký công hàm trao đổi trị giá gần 41 tỷ Yên vốn ODA thuộc đợt 1 tài khóa 2011 của Nhật Bản

Phối cảnh dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Tp.HCM đi Long Thành, Dầu Giây.
Phối cảnh dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Tp.HCM đi Long Thành, Dầu Giây.
“Mặc dù Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chính phủ chúng tôi vẫn quyết định không cắt giảm ODA cho Việt Nam”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yasuaki Tanizaki nói với báo giới.

Chiều 14/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Đại sứ Nhật Bản đã ký công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam 40,946 tỷ Yên (tương đương khoảng 508 triệu USD theo tỷ giá hiện nay) vốn ODA thuộc đợt 1 tài khóa 2011 của Nhật Bản, bắt đầu từ ngày 1/4/2011.

Nguồn vốn này sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế, thông cáo báo chí phát đi từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Cụ thể, khoản ODA này sẽ được dành cho hai dự án hạ tầng giao thông quan trọng: dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Tp.HCM đi Long Thành, Dầu Giây, trị giá trên 25 tỷ Yên; và dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Đà Nẵng đi Quảng Ngãi, trị giá gần 16 tỷ Yên.

Công hàm trao đổi được ký hôm nay quy định các điều kiện khung cho việc cung cấp và sử dụng gần 41 tỷ Yên tín dụng ưu đãi nói trên. Trên cơ sở điều kiện khung này, trong thời gian tới Bộ Tài chính Việt Nam và đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ ký 2 hiệp định cụ thể cho 2 dự án.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, cùng với khoản viện trợ lần này, tổng cam kết ODA của Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam từ 1992 đến nay đạt khoảng 1.685 tỷ Yên.

Ông Phúc cũng đánh giá cao sự quan tâm hợp tác của Nhật Bản với Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện quốc gia này đang gánh chịu thảm họa lớn từ thiên tai và cần nhiều nguồn lực để tái thiết đất nước.

Trao đổi với VnEconomy bên lề lễ ký kết, ông Trần Xuân Sanh, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, đơn vị quản lý cả hai dự án nói trên, cho biết, việc ký công hàm lần này rất phù hợp với tiến độ dự án đang triển khai.

Với dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Tp.HCM đi Long Thành, Dầu Giây, các nhà thầu đã triển khai xong khoảng 30% công trình và khoản vay lần này cũng phù hợp với kế hoạch giai đoạn 2 của dự an. Riêng dự án còn lại thì mới là khoản vốn cấp lần đầu, dự kiến sẽ triển khai mời thầu trong thời gian tới.