16:05 15/06/2023

Vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Thủ Đức: Các công ty “sân sau” lũng đoạn đấu thầu thiết bị y tế

Đỗ Mến

Theo Bộ Công an, bị can đã lợi dụng chủ trương tự chủ tài chính, thâu tóm, lũng đoạn hoạt động đấu thầu trong bệnh viện; cân kết, thông đồng trong ngoài, thành lập các công ty “sân sau” để thông thầu, gian lận thầu, từng bước dịch chuyển tài sản của Nhà nước thành tài sản của tư nhân…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 15/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức, TPHCM.

8 bị can bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có 6 bị can thuộc Bệnh viện TP Thủ Đức gồm Nguyễn Minh Quân (SN 1973, cựu giám đốc); Nguyễn Thị Ngọc (SN 1973) và Nguyễn Lan Anh (SN 1984) đều cựu Phó giám đốc; Ngô Trương Ngọc Bích (SN 1987, Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế); Đặng Thị Hiên (SN 1985, kế toán trưởng), Nguyễn Huy Việt (SN 1980, nhân viên Phòng vật tư trang thiết bị y tế).

Ngoài ra, có 2 bị can khác gồm Nguyễn Văn Lợi (SN 1986, giám đốc Công ty TNHH TM DV SX Nguyễn Tâm) và Trần Hậu Nghĩa (SN 1986, giám đốc Công ty TNHH thiết bị y tế Hải Đăng).

DỰNG GIÁM ĐỐC “HỜ” QUẢN LÝ CÔNG TY “SÂN SAU”

Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Minh Quân – giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức đã chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi thành lập 3 pháp nhân gồm Công ty Nguyễn Tâm, Công ty Trung Dung, Công ty Thanh Vương SG và quản lý Công ty Ngọc Đạo.

Từ năm 2016-2020, Bệnh viện TP Thủ Đức tổ chức 31 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có 2 gói thầu chưa thực hiện và 28 gói thầu đã hoàn thiện với tổng giá trị hơn 346 tỷ đồng.

Kết luận thể hiện, dưới sự chỉ đạo của Quân, Lợi sử dụng 3 pháp nhân trên để nộp hồ sơ dự thầu. Muốn công ty nào trúng thầu thì sẽ chỉnh sửa thông tin, báo giá thấp hơn các công ty còn lại.

Theo quy định, Bệnh viện TP Thủ Đức lập tổ chuyên gia xét thầu và thẩm định thầu. Song thực chất các tổ này không hoạt động, chỉ ký hoàn thiện, hợp thức hồ sơ.

Theo đó, Quân trực tiếp chỉ đạo và giao cho tổ mua sắm gồm Bích, Hiên và Việt phối hợp với Lợi để soạn thảo hồ sơ, sau đó các cán bộ thuộc các tổ đấu thầu ký hợp thức.

Kết luận xác định, các bị can đã hợp thức hồ sơ, ấn định cho nhóm công ty của Lợi trúng 27 gói thầu với giá trị hơn 345 tỷ đồng. Trong đó có 3 gói thầu, chỉ có 3 công ty do Lợi quản lý mua hồ sơ, dự thầu. Vì vậy, các bị can không cần thông đồng, móc ngoặc hay can thiệp vào việc chấm thầu/thẩm định thầu.

Theo kết luận định giá, tổng thiệt hại của 27 gói thầu là hơn 81,2 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Nguyễn Tâm trúng nhiều nhất 12 gói thầu, cung ứng 161 thiết bị, máy móc trị giá hơn 163,9 tỷ đồng; hưởng lợi 92,83 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Nguyễn Minh Quân khai nhận, Công ty Ngọc Đạo ban đầu do vợ chồng Quân thành lập. Từ năm 2006 khi được bổ nhiệm Phó giám đôc Bệnh viện Thủ Đức, Quân rút tên khỏi công ty, để vợ đứng tên giám đốc và Nguyễn Văn Lợi làm phó giám đốc. Các công ty Nguyễn Tâm, Trung Dung, Hải Đăng, Thanh Vương SG, Y Đức đều là công ty do Lợi thành lập, điều hành theo chỉ đạo của Quân.

Lời khai của Quân thể hiện, động cơ chỉ định các công ty trên trúng thầu vì sợ “nếu để các đơn vị khác trúng thầu thì không yên tâm về chất lượng máy móc, thiết bị”. Toàn bộ tiền vốn kinh doanh của các công ty trên đều là tiền của Quân đưa cho Lợi quản lý. Khi nào cần tiền, Lợi chuyển khoản hoặc đưa tiền mặt.

Quân thừa nhận chỉ đạo cấp dưới là Bích và Hiên liên hệ với Lợi để lấy báo giá thiết bị y tế. Tuy nhiên, ông Quân không thừa nhận việc chỉ đạo các tổ chấm thầu ký hợp thức hồ sơ. Bị can đổ lỗi cho cấp dưới thực hiện không đúng quy định về đấu thầu.

Các bị can Bích, Hiên, Việt, Ngọc khai nhận biết rõ các công ty trúng thầu là “sân sau” của ông Quân. Lời khai của bà Ngọc thể hiện, Quân nhiều lần nói “anh là giám đốc, anh là người ra quyết định và chịu trách nhiệm tất cả”.

Kết luận điều tra thể hiện, bản chất Quân là chủ thật sự và là người điều hành hoạt động của nhóm công ty Nguyễn Tâm, Ngọc Đạo, Trung Dung và Thanh Vương SG. Còn Lợi và những người đứng tên giám đốc thực chất chỉ là người làm thuê được “dựng lên” để phục vụ việc kinh doanh thuốc, vật tư, trang thiết bị.

“Bị can Quân dùng ảnh hưởng cá nhân để chỉ đạo, gây sức ép với các nhân viên dưới quyền để Công ty Nguyễn Tâm và các công ty khác trúng thầu là hành vi bị cấm trong đấu thầu”, kết luận nêu.

CỰU GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN “ĐÚT TÚI” HƠN 100 TỶ ĐỒNG

Kết luận cũng xác định, Nguyễn Minh Quân là chủ tài khoản Bệnh viện TP Thủ Đức, biết giá mua, giá trúng thầu nên ước tính được khoản lợi nhuận trúng thầu. Vì vậy, ngay khi ký ủy nhiệm chi chuyển tiền cho công ty trúng thầu, Quân chỉ đạo Lợi chuyển toàn bộ lợi nhuận vào tài khoản của vợ chồng Quân.

Tổng cộng từ ngày 11/3/2017 đến ngày 11/9/2020, Quân đã hưởng lợi 103,6 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định đây là tiền thu lợi bất chính, cần phải thu hồi.

Theo Bộ Công an, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội xuất phát từ việc bất chấp, coi thường các quy định pháp luật về đấu thầu của các bị can, mà người đứng đầu là cự Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức. Bị can đã lợi dụng chủ trương tự chủ tài chính, thâu tóm, lũng đoạn hoạt động đấu thầu trong bệnh viện; cân kết, thông đồng trong ngoài, thành lập các công ty “sân sau” để thông thầu, gian lận thầu, từng bước dịch chuyển tài sản của Nhà nước thành tài sản của tư nhân…

 

Cho đến nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đã kê biên loạt tài sản liên quan đến các bị can Nguyễn Minh Quân và Công ty Ngọc Đạo bao gồm: căn biệt thự du lịch nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa; căn biệt thự loại song mã tại quận 1, TPHCM; 2 căn nhà của vợ chồng Quân tại quận 10, TPHCM; thửa đất diện tích hơn 11.523m2 tại huyện Củ Chi, TPHCM do vợ Quân đứng tên.

Công an cũng kê biên 2 căn nhà của vợ chồng bị can Lợi tại quận Phú Nhuận, TPHCM.

Quá trình điều tra, các bị can tự nguyện nộp 14,73 tỷ đồng.