10:24 06/06/2024

Vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.700 tỷ đồng: Dòng tiền “biến mất”?

Đỗ Mến

Mặc dù chiếm đoạt số tiền hơn 2.700 tỷ đồng nhưng cơ quan điều tra chỉ xác minh được một tài khoản duy nhất của đối tượng với số tiền 1,1 tỷ đồng. Những tài sản khác không thể kê biên để khắc phục hậu quả.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vụ án Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977, cựu Phó giám đốc một ngân hàng ở Hà Nội) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức đang được TAND TP Hà Nội thụ lý và đưa ra xét xử trong thời gian tới.

TÀI KHOẢN CÒN VỎN VẸN 1,1 TỶ ĐỒNG

Như VNEconomy đưa tin, từ năm 2014 đến 5/2022, thông qua các trung gian hoặc trực tiếp nhận tiền của các bị hại, Nhung đã lừa đảo khoảng 100 người, chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng để gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, giữ hộ tiền mặt, gửi tiền ký quỹ đầu tư mua bán thanh lý đấu giá các tài sản nợ xấu…

Đến nay, cơ quan điều tra xác định được 46 bị hại trong vụ án với số tiền bị lừa là hơn 788 tỷ đồng.

Trong đó, Nhung dùng 477 tỷ để trả lãi hoặc lợi nhuận cho bị hại nên còn chiếm đoạt 311 tỷ đồng, không có khả năng hoàn trả.

Quá trình xử lý vụ án, cơ quan điều tra tiến hành xác minh một số tài sản liên quan Nhung. Tuy nhiên, chỉ còn duy nhất một tài khoản của bị cáo này đã bị phong tỏa, trong đó có 1,1 tỷ đồng. Các tài sản khác không thể kê biên để khắc phục hậu quả.

Cụ thể, cơ quan điều tra xác định có 2 xe ô tô nhãn hiệu Mercedes và Ford đứng tên Nhung nhưng đều là tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng khác với tổng dư nợ gần 600 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, Nhung có đơn đề nghị trả hai ô tô này cho ngân hàng và được chấp nhận.

Về bất động sản, Nhung có một căn chung cư rộng hơn 120 m2 ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhưng bị thế chấp để đảm bảo khoản vay 1,6 tỷ đồng. Đến nay, ngân hàng tính cả gốc và lãi là 1,8 tỷ đồng.

Tương tự, mảnh đất 120 m2 tại khu nhà vườn (quận Tây Hồ, Hà Nội) của Nhung cũng đang thế chấp tại một ngân hàng khác. Khu đất này được định giá hơn 16 tỷ đồng còn khoản vay có tổng gốc, lãi là 11,5 tỷ đồng nên không thể dùng để khắc phục hậu quả.

Do các tài sản này đã thế chấp cho ngân hàng nên cơ quan điều tra không có căn cứ để kê biên.

Ngoài ra, Nhung có một thửa đất tại đường Kim Mã và một thửa đất tại huyện Ba Vì (Hà Nội) nhưng đã được chuyển nhượng cho người khác trước khi khởi tố vụ án. Do vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ để kê biên.

NHIỀU BỊ HẠI KHÔNG TRÌNH BÁO

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định có 100 người bị chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng. Song đến nay mới có 46 cá nhân có đơn trình báo. Một số bị hại khác chưa làm rõ được thông tin.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 1/2022, chị H. (nhân viên tư vấn chứng khoán) quen Nhung. Nhung nói nếu chị H. giới thiệu khách hàng gửi tiền ký quỹ đầu tư vào Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (công ty “sân sau” của Nhung – PV) thì được hưởng lợi nhuận chênh lệch từ 5 -10%/số tiền gửi ký quỹ.

Sau đó, Nhung ký hợp đồng cộng tác viên với chị H. để phát triển và mở rộng mạng lưới khách hàng.

Mỗi lần yêu cầu, Nhung đưa thông tin về tài sản đầu giá (là bất động sản nhà đất), ảnh chụp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở, biên bản họp về việc tổ chức đấu giá… để chị H. giới thiệu với khách hàng.

Nhung còn cung cấp các số tài khoản ngân hàng mở tại nhiều ngân hàng của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam để khách hàng chuyển tiền ký quỹ đầu tư. Thực tế các tài khoản này đều do Nhung quản lý, sử dụng.

Ngày 18/1/2022, chị H. đã cùng với khách hàng Văn Đình Cường hay Cương (hiện không rõ thông tin, địa chỉ) chuyển 7 tỷ đồng vào tài khoản của công ty trên. Nhận tiền, Nhung đã chuyển trả tiền lợi nhuận 1 tỷ đồng cho chị H.

Hiện cơ quan điều tra không nhận được đơn trình báo của cá nhân có thông tin Văn Đình Cường nên chưa có căn cứ để xem xét, xử lý.

Tương tự, từ tháng 1- 5/2022, chị H. đã giới thiệu nhiều người khác chuyển vào tài khoản của công ty tổng số hơn 112 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, thông qua chị H., Nhung đã chiếm đoạt 76 tỷ đồng của 8 bị hại. Còn các bị hại khác không có đơn trình báo, không rõ thông tin nhân thân.

Theo cáo trạng, tổng số tiền mà Nhung đã trả tiền lợi nhuận cho chị H. là hơn 28,2 tỷ đồng. Chị H. đã chuyển đi cho các khách hàng 27,3 tỷ đồng, hưởng lợi gần 1 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã đăng báo tìm bị hại nhưng họ không trình báo. Cơ quan điều tra đã yêu cầu chị H. giao nộp số tiền được hưởng lợi bất chính nhưng đến nay chị này chưa giao nộp.