Vụ nhà báo mất tích khiến Dự án 500 tỷ USD của Saudi Arabia "gặp hạn"
Nhiều cố vấn trong ban quản trị dự án siêu thành phố Neom đồng loạt rút lui sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích
Vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại gây ra những xáo trộn lớn trong quan hệ của Saudi Arabia với quốc tế, trong đó có dự án siêu thành phố Neom với vốn đầu tư 500 tỷ USD. Kể từ khi nhà báo Khashoggi biến mất hôm 2/10, đã có ít nhất 5 thành viên trong hội đồng quản trị rút khỏi dự án này.
Theo Business Insider, với tổng diện tích 26.495 km2, siêu thành phố Neom rộng gấp 33 lần thành phố New York (Mỹ). Đây sẽ là một trong những thành phố lớn nhất thế giới sử dụng 100% năng lượng tái chế. Neom - trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "mới" và "tương lai", là biểu tượng cho tầm nhìn không tưởng về một thành phố với những công nhân robot và taxi không người lái. Thành phố này sẽ nối với châu Phi thông qua một cây cầu bắc qua biển Đỏ.
Dự án Neom có quan hệ mật thiết với chính phủ Saudi Arabia, đặc biệt là Thái tử Mohammed bin Salman - người bị nhà báo Khashoggi chỉ trích mạnh mẽ trong các bài viết của mình.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói họ tin rằng nhà báo 59 tuổi đã bị thủ tiêu bởi một nhóm điệp viên Saudi Arabia bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia tại nước này. Trong khi đó, Chính phủ Saudi Arabia hôm thứ 6 tuần trước phát đi một thông cáo thừa nhận rằng ông Khashoggi đã chết nhưng trong một vụ ẩu đả.
Hôm 9/10, Neom công bố tên các thành viên trong ban cố vấn toàn cầu của dự án này, trong đó có nhiều nhân vật lớn như cựu CEO Uber Travis Kalanick và CEO SoftBank Masayoshi Son. Ngay sau thông báo trên, giám đốc quỹ khởi nghiệp Y Combinator - Sam Altman nói với tờ Intercept rằng ông sẽ tạm dừng tham gia dự án này "cho đến khi những sự thật liên quan tới vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi được sáng tỏ". Tim Brown, CEO của hãng tư vấn thiết kế Ideo, cũng từ chối tham gia siêu dự án này nhưng không chia sẻ lý do.
Neelie Kroes, cựu Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói với tờ Wall Street Journal rằng sẽ tạm thời rút khỏi dự án Neom cho đến khi "có nhiều thông tin hơn". Trong khi đó, cựu CEO của Shell - Peter Voser cũng rút khỏi ban cố vấn dự án này.
Ernest Moniz, cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, nói rằng: "Trước tình hình tiện tại, tôi sẽ rút khỏi ban cố vấn của Neom. Việc tôi có tiếp tục tham gia hay không phụ thuộc vào những thông tin về vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi trong vài tuần tới".
Trong khi đó, cả Dan Doctoroff, CEO của công ty Sidewalk Labs và Jony Ive, Giám đốc thiết kế của Apple, đều cho biết thông báo về việc họ là thành viên hội đồng quản trị Noem là không đúng sự thật, dù không rõ họ có từng liên quan tới dự án hay không.
Trước vụ nhà báo Khashoggi biến mất bí ẩn, nhiều nhân vật lớn trong ngành công nghệ đều ủng hộ kế hoạch Vision 2030 của Thái tử Saudi Arabia - kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Nằm trong kế hoạch này, Neom sẽ phát triển các ngành công nghiệp gồm năng lượng, công nghệ sinh học, sản xuất công nghệ cao và giải trí. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi các thành viên hội đồng quản trị không còn muốn tham gia dự án nữa.
Vụ nhà báo Khashoggi có thể cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới các dự án khác với vốn đầu tư nước ngoài tại Saudi Arabia. Theo một báo cáo vào tháng 11 năm ngoái, Saudi Arabia có khoảng 4.700 dự án đang xây dựng với tổng đầu tư 852 tỷ USD.