17:50 17/04/2017

“Vùng trời” vào dự thảo Luật Quy hoạch

Nguyễn Lê

Có đúng là mấy chục luật liên quan đến Luật Quy hoạch chỉ cần bỏ đi hai chữ “quy hoạch” là được không?

Thường trực Uỷ ban Kinh tế đã bổ sung quy định về quy hoạch vùng trời vào dự thảo Luật Quy hoạch.<br>
Thường trực Uỷ ban Kinh tế đã bổ sung quy định về quy hoạch vùng trời vào dự thảo Luật Quy hoạch.<br>
Sáng 17/4, dự án Luật Quy hoạch lần thứ ba được đặt lên bàn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kể từ sau kỳ họp Quốc hội thứ hai.

Và câu hỏi về các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thì hành của luật vẫn tiếp tục được đặt ra.

Băn khoăn lớn

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến 32 luật cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với dự luật này, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo đã thiết kế điều 68 để xử lý với từng nhóm đối tượng.

Cụ thể, với những loại quy hoạch có nội dung không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch thì phải điều chỉnh theo quy định của luật này.

Với các quy hoạch được tích hợp vào các quy hoạch quy định tại điều 12 của luật này thì được thực hiện đến hết ngày 31/12/2020. Với các quy hoạch không được tích hợp thì sẽ hết hiệu lực vào thời điểm luật này có hiệu lực (từ ngày 1/1/2019).

Dự luật cũng được thiết kế một điều khoản giao Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để trình Quốc hội xem xét, quyết định và có hiệu lực chậm nhất vào đầu năm 2019.

Uỷ ban Kinh tế cho biết, Chính phủ đã họp và có nghị quyết theo hướng bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018 việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch tại 32 luật này.

Cũng như ở các phiên thảo luận trước, nhiều ý kiến còn băn khoăn về nội dung nói trên.

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù là phải điều chỉnh 32 luật, nhưng trong đó, có 28 luật sửa số điều phải sửa rất ít, nội dung không phức tạp, nên Bộ đề xuất xây dựng một luật để sửa 28 luật này.

Còn 4 luật có nội dung phải nhiều hơn, Chính phủ sẽ có lộ trình sửa dần để đảm bảo phủ hết để đến khi luật này có hiệu lực là đồng bộ luôn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn: có đúng là 28 luật liên quan chỉ cần bỏ đi hai chữ “quy hoạch” là được không? Bà Nga cho rằng, cần phải hỏi các bộ đang quản lý trực tiếp về các luật liên ngành đó mới biết được phải sửa ở mức nào.

Bộ trưởng Dũng hồi âm, ban soạn thảo đã nghiên cứu, đưa ra danh mục các luật cần sửa, trong đó đề cập cụ thể nội dung cần sửa trong mỗi luật. Có những luật thực sự chỉ cần bỏ hai chữ “quy hoạch”, ông khẳng định.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nga vẫn muốn khẳng định từ Uỷ ban Pháp luật về nội dung này.

Cho biết là chưa thể khẳng định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói: việc rà soát của cơ quan soạn thảo luật này mới chỉ là bước đầu.

Ông Định nói: “Tôi đọc danh mục thống kê các luật cần phải sửa, thì thấy nhiều luật không thể bỏ hai chữ “quy hoạch” đi là được đâu... Không đơn giản”.

Vẫn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật thì thống kê sơ bộ, có 178 điều luật tại các luật sẽ phải sửa đổi và đó chắc chưa thể hết. Vì thế đáng ra nên làm trước luật để sửa 28 luật này rồi trình Quốc hội thông qua cùng lúc cả luật này và dự thảo Luật Quy hoạch cho đồng bộ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận lại rằng, đúng như Chủ nhiệm Nga nói, không phải 28 luật thống kê ra chỉ bỏ hai chữ “quy hoạch” là xong, nhưng các điều khoản phải sửa cũng ít và cũng không phức tạp.

“Tốt nhất là cho chúng tôi sửa 28 luật này trong điều quét của Luật Quy hoạch thì sẽ “sạch” luôn”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bổ sung quy hoạch vùng trời

Ngoài nội dung trên, về các vấn đề lớn khác của dự thảo luật, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo, sau phiên thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu nhiều ý kiến, chỉnh lý một lần nữa.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng luật, Thường trực Uỷ ban Kinh tế bổ sung quy định về quy hoạch vùng trời vào dự thảo luật.

Cụ thể, khái niệm “quy hoạch tổng thể quốc gia” là quy hoạch ở cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo (kể cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa), vùng biển, lòng đất, vùng trời theo quy định của pháp luật về biên giới quốc gia; hệ thống đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, khái niệm này thể hiện rằng, nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ mang tính chiến lược và thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, bao gồm việc chia sẻ sử dụng không gian, trong đó có không gian biển, có không gian mặt đất, không gian ngầm dưới đất, không gian trong lòng biển, không gian đáy biển, không gian dưới đáy biển và cả không gian vùng trời.