15:16 13/07/2016

Wall Street Journal: 5 điều đáng chú ý về phán quyết vụ kiện Biển Đông

Bình Minh

Nhiều nhà phân tích dự báo rằng phán quyết của PCA có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông

Các nhà hoạt động Philippines thể hiện phản ứng ở Manila sau khi tòa án quốc tế công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông ngày 12/7 - Ảnh: Reuters.<br>
Các nhà hoạt động Philippines thể hiện phản ứng ở Manila sau khi tòa án quốc tế công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông ngày 12/7 - Ảnh: Reuters.<br>
Sau khi Tòa án Thường trực Trọng tài (PCA) ở The Hague, Hà Lan đưa ra phán quyết ngày 12/7 trong vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, tờ Wall Street Journal đã đưa ra 5 điểm đáng chú ý, liên quan đến phán quyết này.

1. “Đường chín đoạn”


Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích của biển Đông, và phần diện tích này được đánh dấu trên bản đồ của Trung Quốc bằng “đường chín đoạn” có hình chữ U hoặc hình “lưỡi bò”.

Tuy nhiên, PCA đã ra phán quyết rằng “không có bằng chứng nào cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện sự kiểm soát độc quyền” đối với khu vực “đường chín đoạn”, và bởi vậy nước này không có quyền để tuyên bố quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên “nằm trong đường chín đoạn”.

2. Đảo hay đá?

Một phần trong các tuyên bố của Trung Quốc về sử dụng độc quyền vùng biển và tài nguyên trên vùng biển được dựa trên việc nước này lập luận rằng một số thực thể trên biển Đông là đảo có khả năng duy trì sự cư ngụ của con người.

Tuy nhiên, PCA ra phán quyết rằng không một bãi đá nào mà Trung Quốc kiểm soát, và không một đảo nào ở quần đảo Trường Sa đủ tiêu chuẩn để được gọi là đảo. Theo đó, bất kỳ sự tuyên bố nào của Trung Quốc về một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong phạm vi 200 hải lý là vô căn cứ.
 
3. Trung Quốc đã hành động phi pháp

Do không tìm ra căn cứ pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, PCA đã lên án một loạt hoạt động của Bắc Kinh trên biển Đông, từ bồi lấp đảo nhân tạo, can thiệp hoạt động của tàu cá Philippines, và không ngăn ngư dân Trung Quốc đánh bắt các loài rùa biển và san hô đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Nói chung, tòa quốc tế kết luận rằng Bắc Kinh đã làm phức tạp thêm tranh chấp trên biển Đông trong khi giải pháp cho tranh chấp chưa được tìm ra.

4. Phản ứng của Trung Quốc

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã phủ nhận quyền tài phán của PCA đối với vụ kiện. Sau khi phán quyết được đưa ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phán quyết này là “vô hiệu lực”. Mặc dù, cơ quan này nói Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế và “các nguyên tắc cơ bản” trong quan hệ quốc tế.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì tiếp tục khẳng định sẽ “bảo vệ đến cùng chủ quyền, an ninh và các quyền trên biển của quốc gia”.

5. Căng thẳng có thể gia tăng

Nhiều nhà phân tích dự báo rằng phán quyết của PCA có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông, thay vì dẫn tới sự thương lượng giữa Bắc Kinh và các nước tuyên bố chủ quyền khác trên vùng biển này.

Một trong những biện pháp mà Trung Quốc có thể sử dụng để thể hiện sự “không vui” của mình đối với phán quyết của tòa án quốc tế là thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông, tức là yêu cầu máy bay khi đi qua khu vực này phải công bố nhận diện với nhà chức trách Trung Quốc.