Warner Media và Discovery sáp nhập, khán giả được lợi gì?
WarnerMedia, công ty sở hữu kênh tin tức CNN và kênh truyền hình HBO và công ty truyền thông Discovery tiết lộ tên công ty sau khi hợp nhất sẽ là Warner Bros. Discovery...
Tháng trước, Tập đoàn viễn thông AT&T công bố sẽ tách mảng kinh doanh truyền thông WarnerMedia và hợp tác với Công ty truyền thông Discovery nhằm tạo ra một đế chế truyền thông mới để cạnh tranh với các công ty như: Netflix và Disney+, những công ty đang dẫn đầu trong lĩnh vực truyền hình trực tuyến.
Theo thỏa thuận này, AT&T sẽ sở hữu 71% cổ phần của công ty mới, trong khi các cổ đông của Discovery sẽ sở hữu 29% còn lại. Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn thành vào giữa năm 2022.
Theo Financial Times, sự hợp tác giữa Warner Media và Discovery sẽ tạo ra công ty truyền thông lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau hãng Disney+, với giá trị doanh nghiệp khoảng 132 tỷ USD. Các công ty hy vọng sẽ tiết kiệm được khoảng ba tỷ USD/năm từ sự hợp tác này, trong đó mảng nội dung sẽ được đầu tư trở lại và được làm mới hơn.
Thương vụ này sẽ quy tụ rất nhiều cái tên quen thuộc trong thế giới truyền hình và điện ảnh về chung một mái nhà, khiến khán giả tha hồ lựa chọn. Hãng WarnerMedia hiện đang sở hữu một số kênh như CNN, HBO, Cartoon Network, TBS, TNT và xưởng phim Warner Bros. Trong khi đó, Discovery vận hành nhiều kênh truyền hình và mạng cáp quang, bao gồm: HGTV, Animal Planet, Food Network và TLC. Cả AT&T và Discovery cũng đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực phát sóng trực tuyến của riêng mình với nền tảng HBO Max và Discovery Plus.
Số lượng chương trình giải trí của doanh nghiệp hợp nhất có tên Warner Bros. Discovery được đánh giá là vượt trội so với các đối thủ hiện tại, bao gồm những bộ phim ăn khách tới từ HBO, những chương trình khám phá với Discovery, cùng với nhiều tin tức cập nhật từ CNN và chuyên mục thể thao với Eurosport - điều mà Netflix không cung cấp cho người dùng của họ.
Giám đốc điều hành của Discovery, David Zaslav cho biết: “Thật thú vị khi kết hợp những thương hiệu có bề dày lịch sử báo chí với đẳng cấp thế giới, mang tính biểu tượng về chung một mái nhà, mở ra rất nhiều giá trị và cơ hội mới”. Ông Zaslav kỳ vọng tới năm 2023, doanh thu của họ sẽ đạt 52 tỷ USD trên 200 triệu người sử dụng các nền tảng của họ - tương đương với Netflix hiện tại.
Ngoài ra, hai công ty lưu ý rằng sự kết hợp của họ sẽ tạo ra một thư viện truyền thông với khoảng 200.000 giờ nội dung dành cho khán giả. Mục tiêu là để kho vũ khí thâm hậu gồm nội dung giải trí và tài sản trí tuệ (IP) danh giá của WarnerMedia phù hợp với dấu ấn toàn cầu của Discovery trong một liên minh đôi bên cùng có lợi.
Công ty mới có thể cũng sẽ đầu tư vào nhiều nội dung nguyên tác hơn cho các dịch vụ phát trực tuyến của mình, tăng cường tùy chọn chương trình trên các kênh phát sóng và truyền hình trả tiền tuyến tính toàn cầu, đồng thời cung cấp trải nghiệm video sáng tạo hơn và nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.
AT&T đã mua lại Time Warner vào năm 2018 với giá 85,4 tỷ USD, sau đó đổi tên thành WarnerMedia. WarnerMedia có doanh thu ròng là 30,4 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi đó, Discovery có độ phủ sóng ở 220 quốc gia và có doanh thu ròng là 10,7 tỷ USD.