12:33 25/04/2023

"Warren Buffett Trung Quốc" bán vội tài sản để cứu công ty

Ngọc Trang

“Việc chúng tôi bán tài sản không có gì là thảm hại cả. Mọi thứ chỉ thảm hại khi chẳng có ai mua những gì chúng tôi bán”, ông Guo Guangchang, được mệnh danh là “Warren Buffett Trung Quốc”, nói...

Ông Guo Guangchang tại một cuộc họp báo ở Hồng Kông năm 2018 - Ảnh: Bloomberg
Ông Guo Guangchang tại một cuộc họp báo ở Hồng Kông năm 2018 - Ảnh: Bloomberg

Ông Guo Guangchang nhâm nhi bạch tửu (Baijiu) trong lúc đi đến quyết định bán tài sản trị giá 2 tỷ USD - thương vụ lớn nhất của ông nhũng năm gần đây. Món rượu ông uống đến từ Shede Spirits - một thương hiệu thuộc danh mục đầu tư của tập đoàn Fosun International của ông.

"KHÔNG CÓ GÌ LÀ THẢM HẠI CẢ"

Từ tháng 5/2022, Fosun đã bán khoảng 4,8 tỷ USD tài sản, sau thời gian lao đao vì cuộc khủng hoảng tín dụng tại Trung Quốc và lợi nhuận sụt 95% trong năm ngoái. Trong đó, thương vụ bán cổ phần của công ty tại công ty mẹ của Nanjing Iron & Steel Co. đã được tái đàm phán trong tháng này. Fosun hiện cũng đang tìm người mua số cổ phần trị giá nhiều tỷ USD tại các doanh nghiệp tài chính ở châu Âu cho tới công ty dược phẩm Ấn Độ mà tập đoàn đang nắm giữ.

Theo Bloomberg, việc bán tháo tài sản như vậy là dấu hiệu cho thấy một doanh nghiệp đang rơi vào “vòng xoáy chết chóc”. Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng của ông Guo trong việc bán đi cổ phần tại những doanh nghiệp từng được đánh giá cao dường như mang lại hiệu quả. Giá cổ phiếu và trái phiếu của Fosun đã phục hồi sau khi chạm đáy vào tháng 9 năm ngoái và nguy cơ vỡ nợ của “đế chế” này - một kết cùng tưởng như khó tránh khỏi - giờ đây đã giảm xuống.

“Việc chúng tôi bán tài sản không có gì là thảm hại cả”, ông Guo phát biểu tại một diễn đàn doanh nhân hồi tháng 3, khi được hỏi về cảm nhận khi Fosun liên tục bán tài sản. “Mọi thứ chỉ thảm hại khi chẳng có ai mua những gì chúng tôi bán”.

Thường được gọi là “Warren Buffett” châu Á nhờ sự nhạy bén trong việc lựa chọn tài sản chất lượng để đầu tư và đa dạng hóa danh mục, ông Guo góp công lớn vào sự phục hồi của Fosun thời gian qua.

Không giống các “ông trùm” công nghệ và bất động sản khác - những người thường rút lui hoặc về hưu khi tình hình khó khăn, ông Guo vẫn tiếp tục điều hành Fosun vượt qua giai đoạn mà ông gọi là “cơn bão hoàn hảo”. Là đồng chủ tịch của Fosun, ông vẫn tham dự các sự kiện công bố kết quả kinh doanh của công ty, gặp gỡ các đối tác kinh doanh và đăng bài đều đặn lên trang mạng xã hội với hơn 9 triệu người theo dõi của mình.

Ngược lại, ông Zhang Yiming của ByteDance, Colin Huang của Pinduoduo và Wu Yajun của Longfor Group cũng như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác đã rút khỏi công ty do họ sáng lập. Tỷ phú Jack Ma, một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, thậm chí gần như biến mất hoàn toàn khỏi truyền thông khi tập đoàn Alibaba rơi vào tình thế khó khăn sau bài phát biểu chỉ trích nhà chức trách của ông vào năm 2020.

“Guo Guangchang dường như đã sống sót ở chính nơi mà nhiều doanh nhân khác thất bại vì nhiều lý do”, Brock Silvers, giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital tại Hồng Kông, nhận xét. “Fosun đã làm tốt hơn khi tận dụng các nguồn lực sẵn có để tạo ra hoạt động kinh doanh khả thi”.

Theo dữ liệu Bloomberg thu thập được, Fosun đã bán cổ phần tại một công ty bảo hiểm Trung Quốc, một công ty khai khoáng và một công ty tiện ích. Hiện tại, tập đoàn này đang rao bán cổ phần tại một số công ty khác trị giá hơn 3,7 tỷ USD.

Tập đoàn này giờ đây được xem như một trường hợp “hạ cánh mềm” hiếm hoi trong cuộc khủng hoảng tín dụng ở Trung Quốc. Đầu năm nay, một trong các công ty con lớn của tập đoàn đã nhận được khoản vay trị giá 12 tỷ Nhân dân tệ (1,7 tỷ USD) từ 8 ngân hàng.

Đại diện của Fosun cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục bán tài sản để tập trung vào các hoạt động cốt lõi.

THÁCH THỨC VẪN CÒN

Dù giá cổ phiếu đã phục hồi từ mức đáy và tài sản của ông Guo tăng 60% so với hồi tháng 9/2022 lên khoảng 1,6 tỷ USD, hành trình phía trước của Fosun vẫn còn dài.

Tập đoàn này đang đối mặt với vụ kiện của Jiangsu Shagang Group sau khi chấm dứt thỏa thuận mua 2 tỷ USD cổ phần tại công ty mẹ của Nanjing Iron & Steel để thực hiện thương vụ với Citic Ltd. Tranh chấp này có thể khiến thương vụ với Citic Ltd. gặp nhiều rủi ro và Fosun cũng có thể phải chịu phạt vì phá vỡ thỏa thuận trước đó với Nanjing.

Đại diện của Fosun khẳng định tập đoàn không vi phạm thỏa thuận với Shagan và vụ kiện không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của tập đoàn.

Cùng lúc đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn chỉ 5% của Chính phủ Trung Quốc trong năm nay cũng có thể sẽ cản trở công cuộc hồi sinh của Fosun. Đầu tháng này, Moody’s Investors Service đã rút lại xếp hạng tín nhiệm đối với Fosun do không đủ thông tin, còn S&P Global Ratings đưa ra đánh giá tiêu cực về triển vọng của tập đoàn.

Guo Guangchang tại sự kiện IPO của Fosun trên thị trường chứng khoán Hồng Kông năm 2007 - Ảnh: Bloomberg
Guo Guangchang tại sự kiện IPO của Fosun trên thị trường chứng khoán Hồng Kông năm 2007 - Ảnh: Bloomberg

“Fosun có thể sẽ tiếp tục cắt giảm bảng cân đối kế toán thông qua việc bán thêm nhiều tài sản trong năm nay, song song với việc tập trung vào các khoản đầu tư cốt lõi. Tuy nhiên, các thương vụ thoái vốn này vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn”, bà Chloe Wang, giám đốc của S&P nhận định.

Theo bà, khoản vay ngân hàng hồi tháng 1 sẽ không đủ để Fosun trả tất cả các khoản nợ và cần phải cải thiện cấu trúc vốn - một việc cần nhiều thời gian.

Ông Gou đồng sáng lập công ty tiền nhiệm của Fosun cùng với ba bạn học đại học vào năm 1992. Từ một căn nhà nhỏ ở Thượng Hải gần Đại học Phúc Đán, 4 người đã đạp xe đi gặp khách hàng và cung cấp dịch vụ tư vấn.

Fosun sau đó trở thành một trong những công ty lớn đầu tiên ở Trung Quốc tận dụng các khoản vay ngân hàng để mở rộng quy mô. Vào thời điểm niêm yết cổ phiếu lần đầu ở Hồng Kông vào năm 2007, Fosun là tập đoàn tư nhân lớn nhất nước này.

Vào thời hoàng kim, Fosun sở hữu cổ phần tại gần 50 công ty lớn, bao gồm công ty bảo hiểm Fidelidade, nhiều khu nghỉ dưỡng trên khắp thế giới cũng như các công ty dược và nhà sản xuất kim loại.

Mọi thứ chấm dứt khi Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch siết quản lý đối với hoạt động tín dụng cho khu vực tư nhân. Hồi tháng 10 năm ngoái, Fosun cho biết sẽ bán khoảng 11 tỷ USD tài sản trong năm nay để tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng là dược phẩm, bán lẻ và du lịch.

Tháng trước, ông Guo cam kết công ty sẽ tiếp tục ưu tiên “tăng trưởng bền vững”, cải thiện dòng tiền, giảm các khoản nợ chịu lãi suất cao và cải thiện xếp hạng tín nhiệm bằng việc đẩy nhanh việc bán các tài sản không thuộc danh mục cốt lõi.

“Fosun đã có quyết định đúng đắn khi bán bớt tài sản để cải thiện tình hình tài chính”, Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Natixis SA, nói và cho rằng việc Chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách thời gian gần đây là điều kiện thuận lợi.