15:35 11/04/2023

WSJ: Sức hấp dẫn của chứng khoán Mỹ xuống thấp nhất trong 16 năm

Ngọc Trang

Theo Wall Street Journal, lợi nhuận từ của việc sở hữu cổ phiếu so với trái phiếu tại Mỹ chưa từng ở mức thấp như hiện nay kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008...

Nỗ lực tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát đồng thời ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện đang "phủ mây đen" với triển vọng cổ phiếu - Ảnh: Bloomberg News
Nỗ lực tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát đồng thời ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện đang "phủ mây đen" với triển vọng cổ phiếu - Ảnh: Bloomberg News

Phần bù rủi ro vốn cổ phần (equity risk premium) - chênh lệch giữa tỷ suất sinh lời của các cổ phiếu trong nhóm S&P 500 và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm - hiện ở quanh quanh mức 1,59 điểm phần trăm.

Đây là mức thấp nhất từng ghi nhận kể từ tháng 10/2007 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 3,5 điểm phần trăm kể từ năm 2008 đến nay.

Theo các nhà phân tích, sự suy giảm này là một thách thức lớn để thị trường cổ phiếu tiếp tục tăng trưởng, bởi cổ phiếu cần phải hứa hẹn mang lại mức lợi nhuận cao hơn so với trái phiếu trong dài hạn. Nếu không, tính an toàn của trái phiếu kho bạc sẽ “nhấn chìm” tính rủi ro cổ phiếu - đặc tính mà có thể làm mất một phần hoặc toàn bộ tiền của nhà đầu tư.

Thời gian gần đây, sức hấp dẫn của cổ phiếu giảm đi khi lợi suất trái phiếu tại Mỹ tăng lên và bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục u ám. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giờ đây đối mặt thách thức kép. Đó là vừa tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, vừa phải sử dụng các công cụ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn diện. Cả hai điều này đều “phủ mây đen” lên triển vọng của thị trường cổ phiếu.

Tuy vậy, chỉ số S&P 500 đã phục hồi phần nào sau khi giảm 19% vào năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã tăng 6,9%. Trong khi đó, Chỉ số Bloomberg US Aggregate Bond - một thước đo phổ biến cho thị trường trái phiếu Mỹ, đã tăng 4,2% nhờ đợt tăng hồi đầu năm cũng như lợi suất trái phiếu tăng lên.

Thứ Năm tuần trước, S&P 500 tăng 0,4% sau khi dữ liệu việc làm cho thấy Fed đang thắng thế trong cuộc chiến với thị trường lao động “nóng” kỷ lục. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu các kỳ hạn cũng tăng lên.

Chênh lệch giữa tỷ suất sinh lời của các cổ phiếu trong nhóm S&P 500 và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tính tới ngày 30/3/2023 - Nguồn: Phân tích của WSJ, FactSet và Tradeweb
Chênh lệch giữa tỷ suất sinh lời của các cổ phiếu trong nhóm S&P 500 và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tính tới ngày 30/3/2023 - Nguồn: Phân tích của WSJ, FactSet và Tradeweb

“Trái phiếu đang mang đến cơ hội cả thế hệ mới có một lần, nhưng không phải cơ hội chỉ có một lần trong đời”, ông Tony DeSpirito, giám đốc đầu tư phụ trách chứng khoán cơ sở tại Mỹ của BlackRock Inc., nhận xét.

Theo ông, phần bù rủi ro vốn cổ phần hiện đang sát ngưỡng tiêu chuẩn trong dài hạn. Ông DeSpirito dẫn dữ liệu nghiên cứu của BlackRock cho biết từ năm 1957, phần bù rủi ro bình quân ở mức khoảng 1,62 điểm.

“Điều này có nghĩa là cổ phiếu vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn so với trái phiếu nhờ tăng trưởng tốt hơn trong những thập kỷ qua”, ông phân tích. “Phần bù rủi ro vốn cổ phần giảm khi lợi suất trái phiếu tăng lên, tức là tỷ lệ giá/lợi nhuận của cổ phiếu tăng lên - có thể do lợi nhuận giảm đi hoặc giá cổ phiếu tăng lên. Trong khi đó, tỷ suất sinh lời là tỷ lệ giữa lợi nhuận từ năm qua so với giá cổ phiếu hiện tại”.

Trên thực tế, tháng 10/2007 đánh dấu thời điểm bấp bênh trên thị trường cổ phiếu Mỹ. Trước đó, giá cổ phiếu đã mức cao nhất từng được ghi nhận, còn lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate - lãi suất điều hành của Mỹ) ở mức 4,8%, gần bằng mức lãi suất hiện tại.

Trong năm sau đó, chỉ số S&P tiếp tục giảm gần 45% và Fed giảm lãi suất về mức gần 0%. Giá cổ phiếu bắt đầu được điều chỉnh, còn lợi suất trái phiếu giảm mạnh. Tới tháng 3/2009, khi thị trường chứng khoán chạm đáy, chênh lệch lợi nhuận giữa cổ phiếu và trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên mức trên 7 điểm và thị trường bò mới được hình thành.

Ở thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu có vẻ đắt đỏ và thị trường đang đối mặt một loạt thách thức mới. Ít nhất theo một biện pháp định giá, cổ phiếu Mỹ đang đắt đỏ hơn so với cổ phiếu tại tất cả các quốc gia hay khu vực khác, theo dữ liệu của Research Affiliates. Kết luận này được đưa ra dựa trên mức giá của S&P 500 so với lợi nhuận đã điều chỉnh theo lạm phát của doanh nghiệp trong 10 năm qua, hay còn gọi là tỷ lệ CAPE.

Giá trị cổ phiếu từng giảm mạnh trong các giai đoạn suy thoái kinh tế, dù một số nhà phân tích cho rằng mức định giá cao cũng không ngăn được giá cổ phiếu tiếp tục tăng lên.

“Chúng ta đã chứng kiến mức đỉnh của thị trường chứng khoán, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng đó đã là đỉnh của chu kỳ này”, ông Jawad Mian, người sáng lập công ty tư vấn vĩ mô Stray Reflections, nói.

Theo ông, nền kinh tế Mỹ có sức chống chịu với lãi suất cao tốt hơn so với trước đây.

“Tăng trưởng danh nghĩa cao - được thúc đẩy bởi lạm phát - sẽ tiếp tục hỗ trợ lợi nhuận của doanh nghiệp, ngăn giá cổ phiếu giảm mạnh”, ông Mian nhận định.

Theo dự báo của nhà phân tích được FactSet khảo sát, lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 sẽ tăng gần 1,6% trong năm 2023. Vào cuối năm ngoái, nhóm này dự báo mức tăng là 5%.

Dữ liệu từ BlackRock cho thấy, gần 70% khoảng thời gian kể từ năm 1957 đến nay cổ phiếu có mức lợi nhuận vượt trội hơn so với các khoản đầu tư có lợi tức cố định nếu như nhà đầu tư giữ cổ phiếu trong ít nhất 1 năm. Lợi thế của cổ phiếu tăng lên khi thời gian nắm giữ lâu hơn.

Do đó, theo ông DeSpirito của BlackRock, việc quá chú trọng vào chênh lệch lợi nhuận thấp giữa cổ phiếu và trái phiếu sẽ khiến nhà đầu tư bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên tìm các cổ phiếu có ltỷ suất sinh lời ổn định và doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận cao, đồng thời tránh những cổ phiếu đang được định giá quá cao.