18:49 14/02/2025

Xạ trị proton là gì mà sẽ được bảo hiểm y tế chi trả?

Hoài Phương

Để đáp ứng nhu cầu điều trị ung thư ngày càng cao tại Việt Nam, Bộ Y tế đang triển khai đề án xây dựng Trung tâm Xạ trị Proton tại ba bệnh viện lớn: Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy…

Ảnh: Imaging Technology News
Ảnh: Imaging Technology News

Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị để báo cáo tiến độ hoàn thiện đề án, dự kiến chuẩn bị đầu tư trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu các đơn vị nêu rõ tính cần thiết, trong đó làm rõ hậu quả ở trẻ em khi không có xạ trị proton, bổ sung bằng chứng về các quốc gia ưu tiên xạ trị proton cho trẻ em, tỉ lệ chi trả bảo hiểm y tế...

Dự kiến đề xuất tỉ lệ thanh toán từ quỹ bảo hiểm, yêu cầu nghiên cứu, xếp theo thứ tự ưu tiên trẻ em, người cao tuổi (ví dụ trẻ em được chi trả 80%, người già 60%). Đồng thời xây dựng đề án cần phân tích rõ về hiệu quả kinh tế xã hội, đặc biệt là hiệu quả về xã hội của đề án: tăng tỉ lệ chữa khỏi, hạn chế tái phát, di căn, tạo ra của cải, vật chất. Việc thu hồi vốn phụ thuộc nhiều vào cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế. Việc triển khai trước mắt từ 1 đến 3 máy là bước đầu, sau đó tiếp tục nhân rộng dựa trên kết quả thực tiễn.

Cùng với đó, nội dung đề án cần bổ sung số lượng người Việt Nam ra nước ngoài điều trị bằng xạ trị proton. Đồng thời phân tích rõ hơn về hiệu quả kinh tế - xã hội, đặc biệt là hiệu quả về xã hội của đề án như tăng tỉ lệ chữa khỏi, hạn chế tái phát, di căn, tạo ra của cải, vật chất… Ngoài ra cần phân tích cụ thể ưu điểm, hạn chế, bổ sung tính đặc thù của từng loại công nghệ xạ trị proton; bổ sung dữ liệu về tình hình, tỉ lệ sử dụng các loại công nghệ xạ trị proton trên thế giới, đề xuất công nghệ cho Việt Nam.

Nhiều nước phát triển trên thế giới cùng một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã và đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật xạ trị proton.
Nhiều nước phát triển trên thế giới cùng một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã và đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật xạ trị proton.

Theo số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 169.547 ca ung thư mắc mới, trong đó khoảng 60% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị. Đặc biệt, ước tính có 5% số bệnh nhân trên (khoảng 8.938 ca) có chỉ định xạ trị proton tại nhóm một theo khuyến cáo nêu trên của Hội Xạ trị ung thư Mỹ (ASTRO). Tuy vậy tại Việt Nam chưa có máy xạ trị proton điều trị ung thư công nghệ cao nào.

Các chuyên gia ung bướu nhận định, trong số các biện pháp điều trị ung thư thì xạ trị là phương pháp phổ biến nhất và rất quan trọng. Có khoảng 60% các phác đồ điều trị đa mô thức đối với bệnh ung thư có vai trò của xạ trị. Ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, kể cả với mục đích điều trị triệt căn đến giảm nhẹ triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Việc xây dựng Trung tâm xạ trị proton tại Việt Nam là cần thiết để đáp ứng công tác điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam.

Theo TS.BS. Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc cùng một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan) đã và đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật xạ trị proton nhằm nâng cao chất lượng điều trị ung thư. Hiện thế giới đang có 123 trung tâm xạ trị proton hoạt động, trong đó Mỹ có 43 trung tâm, châu Âu có 34, Nhật Bản có 26, Trung Quốc có 7, Nga có 5, Hàn Quốc có 2, Singapore có 2, Thái Lan có 2, Đài Loan (Trung Quốc) có 1 trung tâm...

“Việc đầu tư xây dựng các trung tâm điều trị ung thư chất lượng cao, được trang bị các hệ thống máy xạ trị tiên tiến tầm khu vực và thế giới, đặc biệt là xạ trị proton, là vấn đề cấp bách nhằm thu hút người bệnh ung thư điều trị trong nước, họ không phải đi nước ngoài điều trị. Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử một đội gồm hai kỹ sư và một bác sĩ đến trung tâm proton Ấn Độ học về kỹ thuật xạ trị này”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Việc xây dựng Trung tâm xạ trị proton tại Việt Nam là cần thiết để đáp ứng công tác điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam.
Việc xây dựng Trung tâm xạ trị proton tại Việt Nam là cần thiết để đáp ứng công tác điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam.

Tại hội thảo Điều trị đa mô thức bệnh ung thư và Quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024, GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, thông tin mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 800 - 900 lượt người bệnh xạ trị nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Để chuẩn bị xây dựng Trung tâm xạ trị proton ở miền Bắc, bệnh viện đang xúc tiến các công đoạn để sớm khởi công xây dựng cơ sở 4 ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) với quy mô khoảng 8,6ha; đặt Trung tâm xạ trị proton với những kỹ thuật xạ trị tiên tiến nhất trên thế giới và khu sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ tại chỗ.

Trung tâm xạ trị proton của bệnh viện sẽ điều trị các ung thư thần kinh (đặc biệt ở trẻ em) và các ung thư phổi, tiền liệt tuyến... “Việc đầu tư xây dựng trung tâm điều trị ung thư chất lượng cao được trang bị các hệ thống máy xạ trị tiên tiến thế giới nhằm nâng cao chất lượng điều trị ung thư, người bệnh có thể hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngay tại Việt Nam, không phải đi nước ngoài điều trị”, GS.TS. Lê Văn Quảng nhấn mạnh.

Tương tự, Bệnh viện Trung ương Huế cũng sẽ mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng, khởi công Bệnh viện Quốc tế giai đoạn 2 với quy mô 300 tỷ đồng, xây dựng Trung tâm xạ trị Proton tại Việt Nam với quy mô 2.000 tỷ đồng.

Theo Channel News Asia (CNA), năm 1954, các bác sĩ lần đầu ứng dụng chùm tia proton để kiểm soát ung thư vú di căn. Hai thập niên sau, các chuyên gia đề xuất đẩy mạnh vận dụng năng lượng proton trong điều trị y tế. Hiện proton xuất hiện dưới hình thức xạ trị. 

Các tia proton sẽ nhắm chính xác và dừng lại vị trí cục bộ của khối u.
Các tia proton sẽ nhắm chính xác và dừng lại vị trí cục bộ của khối u.

Bác sĩ Lee Kuo Ann từ Trung tâm ung thư Parkway tiết lộ xạ trị thông thường liên quan tia X, chúng tấn công nhưng khó ngăn chặn khối u. Cụ thể, tia X sẽ xuyên qua khối u đến bên kia cơ thể, có thể gây tổn thương các mô xung quanh trên đường giải phóng phóng xạ ra bên ngoài. Trong khi đó, các tia proton sẽ nhắm chính xác và dừng lại vị trí cục bộ của khối u. Khi không có bức xạ thoát ra, tổn thương với các mô khỏe mạnh sẽ thấp hơn.

Liệu pháp proton không gây đau đớn, thường là điều trị ngoại trú, khoảng 15 - 30 phút mỗi đợt, nhắm vào các khối u bằng cách sử dụng các hạt nguyên tử tích điện dương. Tùy tình trạng và nhu cầu từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ áp dụng liệu trình vài lần trong tuần hoặc thậm chí vài tháng. Ưu điểm chính của proton là biên độ an toàn cao, có thể xạ trị ung thư ở gần cấu trúc quan trọng như mắt, não, tim và tủy sống...

Thực tế, trong những năm qua các kỹ thuật xạ trị ứng dụng trong điều trị ung thư tại Việt Nam có những tiến bộ vượt bậc, theo kịp các nước trong khu vực. Ví dụ, xạ trị không gian ba chiều theo hình dạng khối u; xạ trị điều biến liều, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh, xạ trị điều biến liều theo thể tích hình cung; xạ trị áp sát liều cao hướng dẫn hình ảnh 3D bằng CT/MR... góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.